Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các Bà-la-môn dạy về con đường hư dối, ngu si, tà vạy, không chân chánh hướng thượng, chẳng có tuệ giác hướng đến Niết-bàn. Họ dạy các đệ tử như vầy: “Vào ngày rằm, dùng bột hồ-ma26 và bột am-la-ma-la27 tắm gội thân thể, mặc áo kiếp-bối28 mới, đầu xõa tóc dài, trét phân bò trên đất rồi nằm lên đó”; hoặc họ bảo rằng: “Này thiện nam! Sáng sớm thức dậy, cởi bỏ y phục cất vào một chỗ, để thân thể lõa lồ rồi chạy nhanh về hướng Đông. Giả sử trên đường có gặp voi dữ, ngựa chứng, bò điên, chó dại, gai góc, rừng rậm, hầm hố, vũng nước sâu thì vẫn cứ tiến thẳng chớ có tránh né. Nếu gặp nạn mà chết thì chắc chắn được sanh lên cõi Phạm thiên.” Đó là tà kiến ngu si của ngoại đạo, không có tuệ giác hướng đến Niết-bàn.
Ta vì chúng đệ tử mà dạy về con đường chân chánh không si mê, hướng đến tuệ giác, hướng đến Niết-bàn, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
.***
Chú thích:
25 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.842. 0215b01). Tham chiếu: S. 55.12 - V. 361.
26 Hồ-ma (胡麻): Hạt vừng, cũng gọi là mè.
27 Am-la-ma-la (菴羅摩羅, āmalaka) cũng gọi là “a-ma-lặc” (阿摩勒). Loại quả này hiện vẫn còn sử dụng ở Ấn Độ như một loại trái cây đặc sản, gọi là quả amla. Ở Việt Nam gọi là me rừng, chùm ruột núi, du cam tử, ngưu cam tử, dư cam tử, có tên khoa học là Phyllanthus Emblica.
28 Kiếp-bối (劫貝, kappāsa) cũng gọi là “kiếp-ba-dục” (劫波育), một loại vải thượng hạng được dệt từ bông vải
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.