Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 

830. TÔN GIẢ CA-DIẾP THỊ1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong rừng Băng-già-kỳ, tại thôn Băng-già-xà.2

Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới.

Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp Thị3 đang ở trong thôn Băng-già, nghe Thế Tôn giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới thì trong lòng bức xúc, không vui nên nói: “Sa-môn ấy hết lòng khen ngợi giới này, dốc lòng chế định giới này.”

Sau khi đã trụ trong an lạc tại thôn Băng-già rồi, Thế Tôn hướng về nước Xá-vệ, lần lượt du hành đến vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Thế Tôn rời đi không lâu thì Tôn giả Ca-diếp Thị trong lòng hối hận nên tự trách mình: “Ta nay đã đánh mất lợi ích, chuốc lấy sự bất lợi lớn. Lúc Thế Tôn giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới mà ta lại khởi tâm bức xúc, không vui, lòng không hoan hỷ đối với việc làm của Thế Tôn, lại còn phàn nàn rằng: ‘Sa-môn ấy dốc lòng chế định giới này, hết lòng khen ngợi giới này.’”

Sáng sớm hôm sau, Tôn giả Ca-diếp Thị đắp y, ôm bát đi vào thôn Băng-già khất thực. Sau khi thọ thực xong trở về tinh xá, Tôn giả gởi lại ngọa cụ rồi tự ôm y bát tuần tự du hành, hướng về thành Xá-vệ. Đến được thành Xá-vệ, Tôn giả thu dọn y bát, lấy nước rửa chân rồi đến đảnh lễ sát chân Thế Tôn và thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Con xin sám hối. Kính bạch Thiện Thệ! Con xin sám hối. Con thật mê muội, không khéo hiểu biết. Khi con nghe Thế Tôn vì các Tỳ kheo mà giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới thì con đã bức xúc không vui, không hoan hỷ đối với việc làm của Thế Tôn và còn nói rằng: “Sa-môn dốc lòng chế giới này, khen ngợi giới này.”

Phật hỏi Tôn giả Ca-diếp Thị:

– Vào thời điểm nào tâm thầy bức xúc không vui, lòng không hoan hỷ đối với việc làm của Như Lai mà nói rằng: “Sa-môn dốc lòng chế giới này, khen ngợi giới này”?

Tôn giả Ca-diếp Thị bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Đó là lúc Thế Tôn đang ở trong rừng Băng-già-kỳ, tại thôn Băng-già-xà, vì các Tỳ-kheo mà giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới. Lúc ấy, tâm con bức xúc không vui, lòng không hoan hỷ đối với việc làm của Như Lai và còn nói rằng: “Sa-môn dốc lòng chế giới này, khen ngợi giới này.” Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay, con tự biết có tội, tự thấy có tội. Xin Thế Tôn thương xót cho con được sám hối.

Phật bảo Tôn giả Ca-diếp Thị:

– Thầy tự biết hối lỗi vì đã mê muội không khéo nhận biết, khi nghe Như Lai giảng nói pháp liên hệ đến học giới và khen ngợi việc chế giới thì thầy đã bức xúc không vui, lòng không hoan hỷ đối với việc làm của Như Lai và còn nói rằng: “Sa-môn dốc lòng chế giới này, khen ngợi giới này.” Này Ca-diếp Thị! Nay thầy tự biết hối lỗi, tự thấy có hối lỗi rồi thì trong đời tương lai, luật nghi giới của thầy sẽ sanh khởi. Nay Như Lai vì thương xót nên chấp thuận sự sám hối của thầy.

Này Ca-diếp Thị! Thầy đã biết sám hối như vậy thì thiện pháp sẽ được tăng trưởng, trọn không suy giảm. Vì sao như vậy? Bởi vì người nào tự biết có tội, tự thấy có tội, liền biết sám hối tội thì trong đời vị lai luật nghi giới của người ấy sẽ sanh khởi, thiện pháp tăng trưởng không bao giờ suy giảm.

Giả sử Ca-diếp là vị Thượng tọa mà không muốn học giới, không quý trọng giới, không khen ngợi việc chế giới thì Như Lai không khen ngợi Tỳ-kheo như vậy. Vì sao như vậy? Vì nếu Đại sư khen ngợi người này thì những người khác sẽ thân cận, cung kính, tôn trọng họ. Những người thân cận và tôn trọng họ sẽ có sự nhìn nhận và việc làm giống với họ. Nếu vị nào có việc làm giống với người kia sẽ chịu khổ lâu dài, không được lợi ích. Vì vậy, Như Lai không khen ngợi vị Trưởng lão kia, vì người này ngay từ lúc đầu đã không thích học giới.

(Tương tự như trường hợp Tỳ-kheo trưởng lão, đối với Tỳ-kheo trung niên và Tỳ-kheo thiếu niên mà không muốn học giới Phật cũng nói như vậy).

Nếu vị Thượng tọa trưởng lão ngay từ lúc đầu đã coi trọng giới học, khen ngợi việc chế giới thì vị trưởng lão ấy được Như Lai khen ngợi, vì vị ấy ngay lúc đầu đã thích học giới. Vị này được Đại sư khen ngợi thì những người khác cũng thích gần gũi, tôn trọng và có nhận biết cũng giống với vị này. Vì có nhận biết giống với vị này nên trong đời vị lai người ấy sẽ được lợi ích lâu dài. Vậy nên Như Lai luôn khen ngợi vị Tỳ-kheo trưởng lão kia, vì ngay lúc ban đầu đã thích học giới.

(Tương tự như trường hợp vị Tỳ-kheo trưởng lão, đối với Tỳ-kheo trung niên và Tỳ-kheo thiếu niên coi trọng học giới cũng nói như vậy).

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

Chú thích:

1Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.830. 0213a05). Tham chiếu: A. 3.91 - I. 236.
2 Băng-già-xà (崩伽闍, Paṅkadhā).
3Ca-diếp Thị (迦葉氏, Kassapagotta)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.