Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 29

803. QUÁN NIỆM HƠI THỞ (3)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Hãy tu tập quán niệm hơi thở. Nếu Tỳ-kheo tu tập và tu tập thuần thục quán niệm hơi thở thì thân tâm được lắng dịu, có giác có quán, tịch diệt, thuần nhất, tâm tưởng sáng suốt, tu tập viên mãn.

Thế nào là tu tập quán niệm hơi thở, tu tập thuần thục thì thân tâm được lắng dịu, có giác có quán, tịch diệt, thuần nhất, tâm tưởng sáng suốt, tu tập viên mãn? Nghĩa là Tỳ-kheo hoặc nương ở xóm làng, thành ấp, sáng sớm đắp y, ôm bát vào thôn xóm khất thực, khéo giữ thân mình, hộ trì các căn, buộc tâm an trụ; khất thực xong trở về trụ xứ, cất y bát, rửa chân, rồi đi vào rừng, hoặc trong phòng vắng, hoặc bên gốc cây, hoặc nơi đất trống, ngồi ngay thẳng, buộc niệm trước mặt, dứt tham ái ở thế gian, lìa dục, thanh tịnh; đoạn sân hận, thùy miên, trạo hối và nghi, vượt qua các sự nghi hoặc. Đối với thiện pháp, tâm được quyết định, xa lìa năm thứ ngăn che, những thứ gây phiền não nơi tâm, làm sức tuệ suy kém, là pháp chướng ngại, chẳng đạt đến Niết-bàn.

Quán niệm lúc hơi thở vào, khéo thực tập buộc niệm. Quán niệm lúc hơi thở ra, khéo thực tập buộc niệm.

[Quán niệm về] hơi thở dài, hơi thở ngắn...

Nhận biết hơi thở vào toàn thân,[2] đối với hơi thở vào toàn thân, khéo thực tập. Nhận biết hơi thở ra toàn thân, đối với hơi thở ra toàn thân, khéo thực tập.

Nhận biết hơi thở vào toàn thân khinh an,[3] đối với hơi thở vào toàn thân khinh an, khéo thực tập. Nhận biết hơi thở ra toàn thân khinh an, đối với hơi thở ra toàn thân khinh an, khéo thực tập.

Nhận biết hỷ...

Nhận biết lạc...

Nhận biết tâm hành[4]...

Nhận biết tâm hành lúc hơi thở vào, đối với sự nhận biết tâm hành lúc thở vào, khéo thực tập. Nhận biết tâm hành lúc thở ra, đối với sự nhận biết tâm hành lúc thở ra, khéo thực tập.

Nhận biết tâm...

Nhận biết tâm hân hoan[5]...

Nhận biết tâm định...

Nhận biết tâm giải thoát khi thở vào; đối với sự nhận biết tâm giải thoát khi thở vào, khéo thực tập. Nhận biết tâm giải thoát lúc thở ra, đối với sự nhận biết tâm giải thoát khi thở ra, khéo thực tập.

Quán sát vô thường...

Quán sát từ bỏ[6]...

Quán sát vô dục...

Quán sát tịch diệt khi thở vào, đối với sự quán sát tịch diệt khi thở vào, khéo thực tập. Quán sát tịch diệt lúc thở ra, đối với sự quán sát tịch diệt khi hơi thở ra, khéo thực tập.[7]

Đó gọi là tu quán niệm hơi thở, thân an ổn, tâm an ổn, có giác có quán, tịch diệt, thuần nhất, tâm tưởng sáng suốt, tu tập viên mãn.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.803. 0206a14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.815. 0209b15); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0101.15. 0497a02); M. 62, Mahārāhulovāda Sutta (Đại kinh giáo giới La-hầu-la); M. 118, Ānāpānasati Sutta (Kinh quán niệm hơi thở); S. 54.1 - V. 311.

[2] Nguyên tác: Giác tri nhất thiết thân nhập tức (覺知一切身入息). Theo Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.04. 0254c18): Khi hơi thở vào khắp thân thể, biết là hơi thở vào khắp thân thể (息入遍身時知息入遍 身); S. 54.1 - V. 311: Sabbakāyappaṭisaṃvedī assasissāmī’ti (Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô), HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Nguyên tác: Giác tri nhất thiết thân hành tức nhập tức (覺知一切身行息入息). Đối với cú ngữ “thân hành tức” (身行息), Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.04. 0254c18) gọi là “thân hành xả” (身行捨). S. 54.1 - V. 311 gọi là “thân hành khinh an”: Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati (“An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập), HT. Thích Minh Châu dịch.

[4] Tâm hành (心行, cittasaṅkhāro). SA. 41.6 - III. 93 giải thích: Cittappaṭibaddhattā cittena saṅkharīyati nibbattīyatīti cittasaṅkhāro (Dùng tâm với tâm, khiến chúng liên tục vận hành và phát sanh, gọi là tâm hành). Ở đoạn kế tiếp, SA. 41.6 - III. 94 lại giải thích: Ekūnatiṃsacetanāpi, saññā ca vedanā cāti ime dve dhammāpi cittasaṅkhārotveva vuccanti (Bao quát gồm có 29 tâm, cùng với hai pháp là tưởng và thọ, được gọi là tâm hành). 29 tâm ở đây gồm 12 tâm sở bất thiện, 8 đại thiện tâm, 5 tâm Sắc giới và 4 tâm Vô Sắc giới.

[5] Tâm duyệt (心悅). S. 54.1 – V. 311: Abhippamodayaṃ cittaṃ assasissāmī’ti sikkhati, ‘abhippamodayaṃ cittaṃ passasissāmī’ti sikkhati (“Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập), HT. Thích Minh Châu dịch.

[6] Nguyên tác: Đoạn (斷, paṭinissagga): Từ bỏ. S. 54.1 - V. 311: Paṭinissaggānupassī assasissāmī’ti sikkhati, ‘paṭinissaggānupassī passasissāmī’ti sikkhati (“Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập), HT. Thích Minh Châu dịch.

[7] Đây là 16 hơi thở căn bản của pháp tu quán niệm hơi thở. 16 hơi thở này cũng được trình bày cụ thể trong Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.04. 0254c14-0255a04).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.