Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ví như người nông phu canh tác ruộng đồng thì phải trải qua ba giai đoạn, phải đúng thời để canh tác cho tốt. Ba giai đoạn đó như thế nào? Nghĩa là người nông phu kia phải cày bừa ruộng đất đúng thời vụ, kế đến là dẫn nước vào ruộng đúng thời và sau đó gieo sạ hạt giống đúng thời. Sau khi đã cày bừa, dẫn nước và gieo hạt giống rồi thì người nông phu sẽ không suy nghĩ: “Mong sao lúa lớn mạnh ngay hôm nay, lúa trổ hạt ngay hôm nay, lúa chín ngay hôm nay, hoặc vào ngày mai, hoặc vào ngày mốt.” Này các Tỳ-kheo! Người nông phu kia sau khi đã cày ruộng, dẫn nước và gieo hạt giống rồi thì họ không hề suy nghĩ: “Mong sao lúa lớn mạnh ngay hôm nay, lúa trổ hạt ngay hôm nay, lúa chín ngay hôm nay, hoặc vào ngày mai, hoặc vào ngày mốt”, nhưng hạt lúa giống kia đã gieo vào lòng đất rồi thì chắc chắn sẽ theo thời gian mà sanh trưởng và hạt lúa sẽ chín.
Cũng vậy, các thầy Tỳ-kheo đối với ba học pháp này hãy khéo tùy thời mà tu tập. Nghĩa là khéo tu học về giới, khéo tu học về ý, khéo tu học về tuệ. Khi đã khéo tu học giới, khéo tu học ý và khéo tu học tuệ rồi thì vị ấy sẽ không nghĩ rằng: “Mong sao ngay hôm nay ta không còn khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát, hoặc ngay ngày mai, hoặc là ngày mốt.” Vị ấy cũng không nghĩ rằng: “Thần lực tự nhiên có thể khiến ngay hôm nay hoặc ngày mai, hoặc vào ngày mốt, tâm ta không còn khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.” Khi vị ấy đã tùy thời tăng thượng giới học, tăng thượng định học và tăng thượng tuệ học rồi thì vị ấy tùy thời sẽ tự khắc không còn khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Này các Tỳ-kheo! Ví như gà mái ấp trứng, trải qua từ mười cho đến mười hai ngày, con gà mái ấy phải tùy thời chăm nom và bảo vệ tổ trứng khi lạnh, khi ấm. Con gà mái ấy không nghĩ rằng: “Ngay ngày hôm nay hoặc là ngày mai, hoặc là ngày mốt, ta sẽ dùng mỏ mổ hoặc dùng móng cào để cho gà con thoát ra khỏi vỏ một cách an ổn.” Như thế, con gà mái này luôn khéo ấp trứng, tùy thời chăm nom, bảo vệ thì gà con sẽ được nở ra tự nhiên và an ổn.
Cũng vậy, Tỳ-kheo khéo tu tập ba học pháp, trải qua thời gian sẽ quyết chắc không còn khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] .02. 0099.827. 0212a24). Tham chiếu: A. 3.83 - I. 229.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.