Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 29

826. PHƯỚC LỢI HỌC GIỚI80

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

(Giống như kinh trên đã nói, chỉ có sai biệt là thêm vào đoạn sau):

– Này các Tỳ-kheo! Thế nào là Tỳ-kheo nhờ học giới mà có được lợi ích? Nghĩa là đấng Đại sư vì hàng đệ tử81 mà thiết lập giới pháp để nhiếp thọ chúng Tăng, cực lực nhiếp thọ chúng Tăng, giúp người chưa tin được tin, người đã tin càng thêm tin, điều phục kẻ ác, người biết hổ thẹn được sống an lạc, hiện tại phòng hộ được hữu lậu, tương lai được đoạn trừ phiền não hoàn toàn, đồng thời giúp cho Phạm hạnh tồn tại lâu dài.

Như vậy, Như Lai đã vì hàng Thanh văn mà chế giới, vì mục đích nhiếp thọ chúng Tăng... (cho đến) giúp cho Phạm hạnh tồn tại lâu dài.

Đối với học giới như vậy như vậy, vị ấy hành trì giới kiên cố, luôn luôn phòng hộ, luôn luôn giữ giới và thọ trì học giới. Đó gọi là Tỳ-kheo được phước lợi về giới.

Thế nào là Tỳ-kheo có trí tuệ tối thượng? Nghĩa là đấng Đại sư vì hàng đệ tử mà nói pháp, với tâm đại bi thương xót, đem đến đầy đủ lợi ích, hoặc an ủi vỗ về, hoặc giúp cho có được an lạc, hoặc vừa an ủi vừa giúp cho được an lạc. Như vậy như vậy, đấng Đại sư vì hàng đệ tử mà nói pháp, với tâm đại bi thương xót, đem đến đầy đủ lợi ích, hoặc an ủi vỗ về, hoặc khiến cho an lạc, hoặc vừa an ủi vừa giúp cho được an lạc. Như vậy như vậy, vị nào tu tập đối với mỗi mỗi pháp ấy, đối với mỗi một học xứ ấy sẽ được trí tuệ quán sát. Đó gọi là Tỳ-kheo có trí tuệ tối thượng.

Thế nào là Tỳ-kheo được giải thoát kiên cố? Nghĩa là đấng Đại sư vì hàng đệ tử mà nói pháp, với tâm đại bi thương xót, đem đến lợi ích đầy đủ, hoặc an ủi vỗ về, hoặc giúp cho được an lạc. Như vậy như vậy, vị nào tu tập đối với mỗi một pháp được Thế Tôn nói, đối với mỗi một học xứ như vậy sẽ được an lạc giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo được giải thoát kiên cố.

Thế nào là Tỳ-kheo có chánh niệm tăng thượng? Nghĩa là người chưa đầy đủ giới thân thì hãy chuyên tâm buộc niệm an trụ. Người chưa thể quán sát thì đối với mỗi mỗi học xứ phải dùng trí tuệ để buộc niệm an trụ. Người đã quán sát rồi thì đối với mỗi mỗi học xứ càng thêm buộc niệm an trụ. Người chưa tiếp xúc với pháp thì đối với mỗi một học xứ phải dùng tâm giải thoát để chánh niệm an trụ. Người đã tiếp xúc với pháp thì đối với mỗi mỗi học xứ càng phải dùng tâm giải thoát để chánh niệm an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm tăng thượng.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Trì giới được phước lợi,
Chuyên tư duy thiền định,
Được trí tuệ tối thượng,
Đời này là cuối cùng,
Thân cuối bậc Hiền minh,
Hàng ma qua bến giác.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Kinh Thi-bà-ca về sau Phật sẽ nói, cũng vậy, ba bài kinh đó là kinh Tỳ-kheo A-nan-đà hỏi Phật, kinh Tỳ-kheo khác hỏi Phật và kinh Phật hỏi các Tỳ-kheo cũng được nói như trên.

*** 

Chú thích:

80 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.826. 0212a23).
81 Nguyên tác: Thanh văn (聲聞, Sāvaka), vừa có nghĩa là Thanh văn vừa mang nghĩa là đệ tử.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.