Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vào mỗi nửa tháng, các Tỳ-kheo phải đọc tụng hai trăm năm mươi giới được rút ra từ trong Giới kinh. Nếu người thiện nam nào mong cầu tu học Giới kinh, Như Lai sẽ vì người ấy nói về ba học pháp. Nếu người nào tu tập ba học pháp này sẽ gồm thâu tất cả học giới. Là ba học pháp nào? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng định học và tăng thượng tuệ học.
Thế nào là tăng thượng giới học? Nghĩa là Tỳ-kheo chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, không chú trọng vào định nên định không tăng thượng, cũng không chú trọng nơi tuệ nên tuệ không tăng thượng. Đối với mỗi mỗi phần giới nhỏ nhặt... (cho đến) thọ trì học giới. Tỳ-kheo thấy như vậy, biết như vậy sẽ đoạn trừ được ba kiết sử đó là thân kiến, giới thủ và nghi, đồng thời tham dục, sân hận và si cũng được giảm thiểu thì vị ấy thành tựu Nhất chủng đạo.[2] Ở giai vị này vì chưa giác ngộ viên mãn[3] nên gọi là bậc Tư-đà-hàm, ở giai vị này vì chưa giác ngộ viên mãn nên gọi là bậc Gia gia,[4] ở giai vị này vì chưa giác ngộ viên mãn nên gọi là bậc Thất hữu,[5] ở giai vị này vì chưa giác ngộ viên mãn nên gọi là bậc Tùy pháp hành,[6] ở giai vị này vì chưa giác ngộ viên mãn nên gọi là bậc Tùy tín hành.[7] Đó là tăng thượng giới học.
Thế nào là tăng thượng định học? Nghĩa là Tỳ-kheo chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, chú trọng vào định nên định tăng thượng, nhưng không chú trọng vào tuệ nên tuệ không tăng thượng. Đối với mỗi mỗi phần giới nhỏ nhặt... (cho đến) thọ trì học giới. Tỳ-kheo thấy như vậy, biết như vậy sẽ đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân hận. Khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử thì vị ấy có thể được Trung Bát-niếtbàn.[8] Ở giai vị này nếu chưa giác ngộ viên mãn sẽ được Sanh Bát-niết-bàn,[9] ở giai vị này nếu chưa giác ngộ viên mãn sẽ được Vô hành Bát-niết-bàn,[10] ở giai vị này nếu chưa giác ngộ viên mãn sẽ được Hữu hành Bát-niết-bàn,[11] ở giai vị này nếu chưa giác ngộ viên mãn sẽ được Thượng lưu Bát-niết-bàn.[12] Đây gọi là tăng thượng định học.
Thế nào là tăng thượng tuệ học? Nghĩa là Tỳ-kheo chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, chú trọng vào định nên định tăng thượng, chú trọng vào tuệ nên tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo thấy như vậy, biết như vậy thì tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu, được tri kiến giải thoát rồi tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đó gọi là tăng thượng tuệ học.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.821. 0210c13). Tham chiếu: A. 3.86 - I. 231.
[2] Nhất chủng đạo (一種道, Ekabījī). Tham chiếu: A. 3.87 - I. 232: “Vị ấy, do đoạn tận 3 kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau” (HT. Thích Minh Châu dịch). Theo SA. 48.24 - III. 238: Yo sotāpanno hutvā ekameva attabhāvaṁ janetvā arahattaṁ pāpuṇāti, ayaṁ ekabījī nāma (Ở quả vị Tu-đà-hoàn này chỉ cần một lần tái sanh liền chứng đắc quả vị A-la-hán, gọi là Nhất chủng).
[3] Nguyên tác: Đẳng giác (等覺), cổ dịch, chỉ cho sambodhi (giác ngộ viên mãn).
[4] Gia gia (家家, Kolaṃkola) là bậc Dự lưu, được sanh vào nhà thuần thiện, từ nhà này sang nhà khác trước khi chứng đắc A-la-hán. Tham chiếu: A. 3.87 - I. 232: “Vị ấy, do đoạn tận 3 kiết sử, là bậc ‘Gia gia’, rong ruổi, lưu chuyển trong 2 hay 3 gia đình, rồi đoạn tận khổ đau” (HT. Thích Minh Châu dịch). Tăng. 僧 (T.02. 0125.28.7. 0653c11): Hoặc có một người dứt trừ 3 kiết sử, sẽ thành tựu pháp bất thoái chuyển Tu-đà-hoàn, nhất định đến được Niết-bàn và chậm nhất là trải qua 7 lần sanh lại cõi này; hoặc thành bậc Gia gia, Nhất chủng.
[5] Thất hữu (七有, Sattakkhattuparama) tức Tu-đà-hoàn, đã đoạn thân kiến, giới cấm thủ và nghi, tối đa chỉ còn 7 lần tái sanh cõi trời hoặc cõi người.
[6] Tùy pháp hành (隨法行, S. Dharmānusārin, P. Dhammānusārī) còn gọi là Pháp hành (法行), nghĩa là bậc tuy chưa thành tựu quả vị Dự lưu, nhưng đã vượt khỏi hàng phàm phu, là bậc Hữu học có khả năng dùng sức mạnh trí tuệ quán sát, tư duy rồi kham thọ giáo pháp (忍, khanti), gọi là bậc Tùy pháp hành. Xem thêm SĀ. 61.
[7] Tùy tín hành (隨信行, S. Śraddhānusārin, P. Saddhānusārī) còn gọi là Tín hành (信行), nghĩa là bậc tuy chưa thành tựu quả vị Dự lưu (預流果), nhưng đã vượt khỏi hàng phàm phu, là bậc Hữu học có khả năng kham thọ (忍, khanti), phân biệt giáo pháp, từ đó quán sát, tư duy với trí tuệ tăng thượng, gọi là bậc Tùy tín hành. Xem thêm SĀ. 61.
[8] Trung Bát-niết-bàn (中般涅槃, Antarāparinibbāyī) là bậc Bất lai. Sau khi sanh vào cõi trời Tịnh Cư (Suddhāvāsā) được phân nửa thọ mạng thì nhập Niết-bàn. Theo A. 3.86 - I. 232: Vị ấy do đoạn tận 5 hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-niết-bàn.
[9] Sanh Bát-niết-bàn (生般涅槃, Upahaccaparinibbāyī) còn gọi là Tổn hại (Upahacca) Niết-bàn, là bậc Bất lai, sau khi sanh vào cõi trời Tịnh Cư, gần mãn tuổi thọ thì nhập Niết-bàn.
[10] Vô hành Bát-niết-bàn (無行般涅槃, Asaṅkhāraparinibbāyī) là bậc Bất lai, sau khi sanh vào cõi trời Tịnh Cư, không cần nỗ lực vẫn đạt Niết-bàn.
[11] Hữu hành Bát-niết-bàn (有行般涅槃, Sasaṅkhāraparinibbāyī) là bậc Bất lai, sau khi sanh vào cõi trời Tịnh Cư, phải nỗ lực tu tập rồi mới nhập Niết-bàn.
[12] Thượng lưu Bát-niết-bàn (上流般涅槃, Uddhaṃsoto Akaniṭṭhagāmī) là bậc Bất lai, sau khi sanh vào cõi trời Tịnh Cư, lần lượt tái sanh qua các cõi từ cõi thứ nhất (Vô Phiền thiên) đến cõi thứ năm (Sắc Cứu Cánh thiên), đoạn trừ 5 thượng phần kiết sử rồi nhập Niết-bàn tại đó. 72 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.822. 0211b12).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.