Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
(Giống như kinh trên đã nói, chỉ khác biệt ở đoạn sau):
Thế nào là tăng thượng giới học? Nghĩa là Tỳ-kheo chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, không chú trọng vào định nên định không tăng thượng, không chú trọng vào tuệ nên tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần, từng phần giới nhỏ nhặt, nếu có phạm thì y theo đó mà sám hối. Vì sao như vậy? Bởi vì Như Lai chưa từng nói người kia không có khả năng kham nhận giới. Nếu giới vị ấy hướng đến Phạm hạnh, lợi ích cho Phạm hạnh, an trú lâu dài trong Phạm hạnh, Tỳ-kheo như vậy sẽ được giới kiên cố, luôn trụ vững vào giới ấy, khiến giới luôn tùy thuận tăng trưởng và luôn thọ trì học giới. Tỳ-kheo thấy như vậy, biết như vậy, sẽ đoạn trừ được ba kiết, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Khi đã đoạn trừ được ba kiết này rồi, vị ấy chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào đường ác, quyết định hướng thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, chỉ còn bảy lần sanh lại trong cõi trời và cõi người, sẽ vượt thoát khổ đau. Đó gọi là tăng thượng giới học.
Thế nào là tăng thượng định học? Tỳ-kheo này chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, chú trọng vào định nên định tăng thượng, không chú trọng vào tuệ nên tuệ không tăng thượng. Đối với từng phần, từng phần giới nhỏ nhặt... (cho đến) thọ trì học giới. Tỳ-kheo thấy như vậy, biết như vậy, sẽ đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, đó là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân hận. Khi đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử này rồi, sẽ được thọ sanh vào Bát-niếtbàn, chứng A-na-hàm, không còn trở lại cõi đời này nữa. Đó gọi là tăng thượng định học.
Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo chú trọng vào giới nên giới tăng thượng, chú trọng vào định nên định tăng thượng, chú trọng vào tuệ nên tuệ tăng thượng. Tỳ-kheo thấy như thế, biết như thế nên tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu, được tri kiến giải thoát và tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đó là tăng thượng tuệ học.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.820. 0210b19). Tham chiếu: A. 3.87 - I. 232.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.