Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an cư mùa mưa tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông các Thượng tọa Thanh văn đều an cư ở xung quanh Thế Tôn, có vị thì ở bên gốc cây, có vị thì ở trong hang động.
Khi ấy, có nhiều Tỳ-kheo trẻ tuổi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Đức Phật vì các Tỳ-kheo trẻ mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[2] Sau khi vì các Tỳ-kheo mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ rồi, Thế Tôn an trú trong tĩnh lặng.
Các Tỳ-kheo trẻ nghe đức Phật chỉ dạy xong, đều hoan hỷ và tùy hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, cúi lạy sát chân Phật rồi lui ra.
Sau đó, các Tỳ-kheo trẻ đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, đảnh lễ các Tỳkheo Thượng tọa rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, các Tỳ-kheo Thượng tọa suy nghĩ: “Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳ-kheo trẻ này. Hoặc một người nhiếp thọ một người, hoặc một người nhiếp thọ hai người, hoặc một người nhiếp thọ ba người, hoặc một người nhiếp thọ nhiều người.” Nghĩ như thế xong, các Tỳ-kheo Thượng tọa liền nhiếp thọ, hoặc một người nhiếp thọ một người, hoặc một người nhiếp thọ hai người, hoặc một người nhiếp thọ ba người, hoặc một người nhiếp thọ nhiều người, thậm chí có Thượng tọa nhiếp thọ đến sáu mươi người.
Bấy giờ là ngày rằm, đúng thời Bố-tát, Thế Tôn trải tòa ngồi ở trước đại chúng. Sau khi nhìn khắp chúng Tỳ-kheo xong, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Lành thay! Lành thay! Hôm nay, Như Lai rất hoan hỷ vì thấy các thầy Tỳ-kheo đã làm những việc chính đáng. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nỗ lực tinh tấn!
Tại nước Xá-vệ này, sau khi vừa kết thúc tháng Ca-đề,[3] có các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian nghe tin Thế Tôn khi vừa kết thúc tháng Ca-đề và may y đã xong, Ngài sẽ đắp y, ôm bát du hành trong nhân gian ở nước Xá-vệ nên các Tỳ-kheo này dần đến nước Xá-vệ. Sau khi thu dọn y bát và rửa chân xong, các Tỳ-kheo này đồng đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ. Sau khi vì các Tỳ-kheo mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho các Tỳ-kheo hoan hỷ rồi, Thế Tôn an trú trong tĩnh lặng.
Các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian nghe Phật nói pháp xong, đều hoan hỷ và tùy hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, lạy sát chân Phật rồi lui ra. Họ đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi lạy sát chân các Tỳ-kheo Thượng tọa rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo Thượng tọa suy nghĩ: “Chúng ta nên nhiếp thọ các Tỳkheo du hành trong nhân gian này, hoặc một người nhiếp thọ một người, hoặc một người nhiếp thọ hai người, hoặc một người nhiếp thọ ba người, hoặc một người nhiếp thọ nhiều người.” Nghĩ như thế xong, các Tỳ-kheo Thượng tọa liền nhiếp thọ, hoặc một người nhiếp thọ một người, hoặc một người nhiếp thọ hai người, hoặc một người nhiếp thọ ba người, thậm chí có Thượng tọa nhiếp thọ đến sáu mươi người. Các Tỳ-kheo Thượng tọa ấy nhiếp thọ các Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, vì họ mà giáo giới, truyền dạy, giúp họ khéo biết thứ tự trước sau.
Bấy giờ là ngày rằm, đúng thời Bố-tát, Thế Tôn trải tòa ngồi ở trước đại chúng. Sau khi nhìn khắp chúng Tỳ-kheo xong, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo! Như Lai rất hoan hỷ vì các thầy làm điều chính đáng. Như Lai rất vui vì các thầy đã làm điều chính đáng.
Này các Tỳ-kheo! Các đức Phật quá khứ cũng có chúng Tỳ-kheo làm điều chính đáng giống như chúng Tỳ-kheo hiện tại này. Các đức Phật ở tương lai có các chúng Tỳ-kheo cũng sẽ như vậy, cũng làm điều chính đáng giống như các Tỳ-kheo hiện tại này. Vì sao như vậy? Vì các Tỳ-kheo trưởng lão trong đại chúng hiện tại này, có vị đã chứng đắc Thiền thứ nhất, có vị đã chứng đắc Thiền thứ hai, có vị đã chứng đắc Thiền thứ ba, có vị đã chứng đắc Thiền thứ tư, có vị an trú đầy đủ Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Có Tỳ-kheo đã dứt sạch ba kiết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác, quyết định hướng thẳng đến Vô thượng Chánh giác,[4] chỉ còn bảy lần sanh trở lại cõi trời hoặc cõi người sẽ vượt thoát khổ đau.
Cũng có Tỳ-kheo đã dứt sạch ba kiết sử, giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Tư-đà-hàm.
Cũng có Tỳ-kheo đã dứt sạch năm hạ phần kiết sử,[5] chứng quả A-na-hàm, đạt đến Bát-niết-bàn, không còn sanh trở lại cõi đời này.
Cũng có Tỳ-kheo đạt đến cảnh giới thần thông vô lượng, đó là Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Sanh tử thông và Lậu tận thông.
Cũng có Tỳ-kheo tu quán tưởng bất tịnh để đoạn trừ tham dục, tu tập tâm từ để đoạn trừ sân hận, tu quán tưởng vô thường để đoạn trừ ngã mạn, tu quán niệm hơi thở ra vào để đoạn trừ giác tưởng.
Thế nào gọi là Tỳ-kheo tu quán niệm hơi để đoạn trừ giác tưởng? Nghĩa là Tỳ-kheo nương vào thôn xóm... (cho đến) quán niệm hơi thở ra vắng lặng và tu tập theo quán niệm hơi thở ra vắng lặng. Đó gọi là tu tập quán niệm hơi thở ra vào để đoạn trừ giác tưởng.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.815. 0209b15). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.803. 0206a14); Tạp. 雜 (T.02. 0099.810-812. 0208a09-c10); M. 118, Ānāpānasati Sutta (Kinh quán niệm hơi thở); S. 54.13-16 - V. 328-35.
[2] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[3] Ca-đê nguyệt (迦低月, Kattikamāsa): Tính theo âm lịch Ấn Độ là khoảng từ 16 tháng 9 đến 15 tháng 10.
[4] Nguyên tác: Tam-bồ-đề (三菩提).
[5] Nguyên tác: Ngũ hạ phần kiết (五下分結, pañca orambhāgiya saṃyojana), gồm: (i) Tham dục (貪欲, kāmarāga), (ii) Sân khuể (瞋恚, vyāpāda), (iii) Thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), (iv) Giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa), (v) Nghi (疑, vicikicchā).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.