Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại thôn Kim-tỳ-la,[2] trong rừng Kim-tỳ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả Kim-tỳ-la:
Hôm nay, Như Lai sẽ nói về sự siêng năng tu tập bốn niệm xứ. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Như Lai sẽ giảng nói cho thầy.
Thế Tôn lặp lại ba lần như vậy, trong khi đó, Tôn giả Kim-tỳ-la vẫn ngồi im lặng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Kim-tỳ-la:
Đại sư đang chỉ dạy Tôn giả đó!
Lặp lại ba lần như vậy.
Tôn giả Kim-tỳ-la nói với Tôn giả A-nan:
Tôi đã biết rồi, thưa Tôn giả A-nan! Tôi đã biết rồi, thưa Tôn giả họ
Cù-đàm![3]
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Thật là đúng lúc. Kính bạch Thế Tôn! Thật là đúng thời. Kính bạch Thiện Thệ! Xin hãy vì các Tỳ-kheo mà giảng nói về sự siêng năng tu tập bốn niệm xứ. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ phụng hành.
Phật bảo A-nan:
Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Như Lai sẽ giảng nói cho các thầy nghe.
Tỳ-kheo khi niệm hơi thở vào thì tu tập theo hơi thở vào... (cho đến) khi hơi thở ra vắng lặng thì tu tập theo hơi thở ra vắng lặng.[4] Bấy giờ, vị Thánh đệ tử khi niệm hơi thở vào thì tu tập niệm theo hơi thở vào... (cho đến) an tịnh thân hành[5] khi thở ra và tu tập theo an tịnh thân hành khi thở ra. Lúc ấy, vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán thân trên thân. Vị Thánh đệ tử khi đã an trú chánh niệm quán thân trên thân rồi, như vậy vị ấy khéo biết quán tưởng[6] bên trong.
Phật lại hỏi Tôn giả A-nan:
Ví như có người cưỡi cỗ xe nghiêng ngả từ phương Đông đi đến, bấy giờ bánh xe có lăn, chạy lên các gò đồi không?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Có lăn, chạy lên chúng.
Phật bảo Tôn giả A-nan:
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử khi niệm hơi thở vào thì tu tập theo niệm hơi thở vào... (như thế cho đến) khéo biết quán tưởng bên trong. Bấy giờ, vị Thánh đệ tử giác tri về hỷ... (cho đến) tu tập giác tri về an tịnh tâm hành.40 Vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán thọ trên thọ. Khi đã an trú chánh niệm quán thọ trên thọ rồi, như vậy vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong. Ví như có người cưỡi cỗ xe nghiêng ngả từ phương Nam đi đến, bấy giờ bánh xe có lăn, chạy lên các gò đồi không?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Có lăn, chạy lên chúng.
Phật bảo Tôn giả A-nan:
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán thọ trên thọ thì vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong. Bấy giờ, vị Thánh đệ tử giác tri về tâm, giác tri về tâm hỷ lạc, về tâm an định, về tâm giải thoát khi hơi thở vào thì vị ấy tu tập theo tâm giải thoát khi hơi thở vào; tâm giải thoát khi hơi thở ra thì vị ấy tu tập theo tâm giải thoát khi hơi thở ra. Bấy giờ, vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán tâm trên tâm. Như vậy, khi vị Thánh đệ tử đã an trú chánh niệm quán tâm trên tâm rồi thì vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong. Ví như, có người cưỡi cỗ xe nghiêng ngả từ phương Tây đi đến, bấy giờ bánh xe có lăn, chạy lên các gò đồi không?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Có lăn, chạy lên chúng.
Phật bảo Tôn giả A-nan:
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử giác tri về tâm... (cho đến) tâm giải thoát khi hơi thở ra thì vị ấy tu tập theo tâm giải thoát khi hơi thở ra. Như vậy, vị Thánh đệ tử bấy giờ an trú chánh niệm quán tâm trên tâm, vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong, khéo dứt bỏ tham lam, sầu não đối với thân, thọ và tâm. Bấy giờ, vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán pháp trên pháp. Khi đã an trú chánh niệm quán pháp trên pháp rồi thì vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong.
Này A-nan! Ví như, có người cưỡi cỗ xe nghiêng ngả từ phương Bắc đi đến, bấy giờ bánh xe có lăn, chạy lên các gò đồi không?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Có lăn, chạy lên chúng.
Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử an trú chánh niệm quán pháp trên pháp thì vị ấy khéo biết quán tưởng bên trong. Này A-nan! Đó gọi là Tỳ-kheo tinh cần nỗ lực tu tập bốn niệm xứ.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.813. 0208c12). Tham chiếu: S. 54.10 - V. 322.
[2] Kim-tỳ-la (金毘羅, Kimbila).
[3] Cù-đàm (瞿曇) ở đây chỉ cho Tôn giả A-nan, gọi theo dòng họ.
[4] Nguyên tác: Diệt xuất tức thời, như diệt xuất tức học (滅出息時, 如滅出息學). Diệt (滅) ở đây dùng ở nghĩa “tức diệt” (熄滅), cổ dịch là “tịch diệt” (寂滅) hoặc “khinh an” (輕安). Trong 16 hơi thở điều thân theo Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.4. 0255a03) thì hơi thở 16 chính là: 入息滅時知入息滅, 出息滅時知出息滅 (Khi thở vào tịch diệt, biết là thở vào tịch diệt; Khi thở ra tịch diệt, biết là thở ra tịch diệt), HT. Thích Phước Sơn dịch.
[5] Nguyên tác: Thân hành chỉ tức (身行止息). Chỗ khác ghi “nhất thiết thân hành tức, thân hành hưu tức, thân tức” (一切身行息/身行休息/身息). Niệm thân kinh 念身經 (T.01. 0026.81. 0555b14) ghi là “học chỉ thân hành” (學止身行). Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.4. 0254c18) ghi là “thân hành xả” (身行捨). S. 54.10 - V. 322: Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ (An tịnh thân hành).
[6] Nguyên tác: Tư duy (思惟), tên gọi khác chỉ cho “tưởng” (想, vitakka). 40 Nguyên tác: Ý hành (意行).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.