Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại thôn Kim Cương, bên sông Bạt-cầu-ma, trong rừng Tát-la-lê.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình ở chỗ vắng, tư duy thiền quán và khởi suy nghĩ:
Liệu có một pháp nào mà khi tu tập và tu tập thuần thục sẽ khiến cho bốn pháp đầy đủ, bốn pháp đã đầy đủ thì bảy pháp đầy đủ, bảy pháp đã đầy đủ thì hai pháp sẽ đầy đủ chăng?[2]
Sau khi xả thiền, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
Bạch Thế Tôn! Lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền định tư duy và khởi lên suy nghĩ rằng: “Liệu có một pháp nào mà khi tu tập và tu tập thuần thục sẽ khiến cho bốn pháp được đầy đủ... (cho đến) hai pháp được đầy đủ.” Hôm nay, con xin hỏi Thế Tôn: “Lẽ nào có một pháp mà khi tu tập, tu tập thuần thục có thể khiến... (cho đến) hai pháp được đầy đủ chăng?” Phật bảo A-nan:
Có một pháp mà khi đã tu tập thuần thục... (cho đến) có thể làm cho hai pháp được đầy đủ. Một pháp ấy là gì? Đó là quán niệm hơi thở, khi đã tu tập thuần thục có thể khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ, bốn niệm xứ đã đầy đủ thì bảy giác phần đầy đủ, bảy giác phần đầy đủ thì minh và giải thoát đầy đủ.
Thế nào là tu quán niệm hơi thở thì bốn niệm xứ đầy đủ? Nghĩa là Tỳ-kheo nương nơi thôn xóm... (cho đến) lắng dịu toàn thân hơi thở ra, quán niệm biết như thật. Hãy học tập như vậy!
Này A-nan! Cũng thế, vị Thánh đệ tử lúc niệm hơi thở vào nên thực tập như niệm hơi thở vào; lúc niệm hơi thở ra nên thực tập như niệm hơi thở ra, cả hơi thở hoặc dài hoặc ngắn. Lúc niệm hơi thở vào thì toàn thân đều nhận biết nên thực tập như niệm hơi thở vào; lúc niệm hơi thở ra nên thực tập như niệm hơi thở ra. Lúc niệm hơi thở vào thì thân hành khinh an nên thực tập như niệm hơi thở vào thân hành khinh an. Lúc niệm hơi thở ra thì thân hành khinh an nên thực tập như khi niệm hơi thở ra thân hành khinh an. Lúc đó, vị Thánh đệ tử an trú trong quán niệm thân trên thân. Nếu khác với thân thì nó cũng được tư duy theo thân của Tỳ-kheo như vậy.
Nếu có lúc, vị Thánh đệ tử nhận biết hỷ, nhận biết lạc, nhận biết tâm hành, nhận biết tâm hành vắng lặng lúc niệm hơi thở vào thì thực tập như tâm hành vắng lặng khi niệm hơi thở vào; tâm hành vắng lặng lúc niệm hơi thở ra thì thực tập như tâm hành vắng lặng lúc niệm hơi thở ra. Nghĩa là lúc đó, vị Thánh đệ tử an trụ trong quán niệm thọ trên thọ. Nếu lại có thọ khác thì nó cũng được tư duy theo thọ của Tỳ-kheo.
Có lúc, vị Thánh đệ tử nhận biết tâm, nhận biết tâm vui, tâm định, tâm giải thoát lúc niệm hơi thở vào thì thực tập như niệm hơi thở vào; tâm giải thoát lúc niệm hơi thở ra thì thực tập như tâm giải thoát lúc niệm hơi thở ra. Nghĩa là vị Thánh đệ tử lúc ấy an trụ trong quán niệm tâm trên tâm. Nếu có tâm khác thì nó cũng được tư duy theo tâm của Tỳ-kheo.
Nếu vị Thánh đệ tử lúc quán vô thường, quán từ bỏ, vô dục, tịch diệt thì nên thực tập như quán vô thường, từ bỏ, vô dục, tịch diệt. Nghĩa là vị Thánh đệ tử lúc ấy an trú trong quán niệm pháp trên pháp. Nếu có pháp khác thì nó cũng được tư duy theo pháp của Tỳ-kheo.
Đó gọi là tu quán niệm hơi thở thì đầy đủ bốn niệm xứ.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Đó là tu tập quán niệm hơi thở khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ. Vậy tu bốn niệm xứ thế nào để cho bảy giác phần được đầy đủ?
Phật bảo A-nan:
Nếu Tỳ-kheo an trụ trong quán niệm thân trên thân, an trụ trong quán niệm ấy rồi, buộc niệm an trụ không quên, lúc ấy khéo tu niệm giác phần. Tu niệm giác phần rồi nên niệm giác phần đầy đủ. Khi niệm giác phần đã đầy đủ rồi thì đối với pháp chọn lọc, suy lường, lúc ấy phương tiện tu trạch pháp giác phần. Tu trạch pháp giác phần rồi nên trạch pháp giác phần được đầy đủ. Đối với pháp chọn lọc, phân biệt, suy lường rồi được phương tiện tinh tấn, lúc ấy khéo tu tập tinh tấn giác phần. Tu tập tinh tấn giác phần rồi nên tinh tấn giác phần đầy đủ. Phương tiện tinh tấn đầy đủ rồi nên tâm hoan hỷ, lúc ấy phương tiện tu hỷ giác phần. Tu hỷ giác phần rồi thì hỷ giác phần đầy đủ. Hỷ giác phần đầy đủ rồi thì thân tâm khinh an, bấy giờ khéo tu khinh an giác phần. Tu khinh an giác phần rồi thì khinh an giác phần được đầy đủ. Khinh an giác phần đầy đủ rồi thì được tam-muội, bấy giờ tu định giác phần. Tu định giác phần rồi định giác phần đầy đủ. Định giác phần đầy đủ thì tham và lo chấm dứt, được bình đẳng xả, bấy giờ phương tiện tu xả giác phần. Tu xả giác phần rồi thì xả giác phần đầy đủ. Với các niệm xứ thọ, tâm, pháp trên pháp cũng nói như thế. Như thế gọi là tu bốn niệm xứ đầy đủ bảy giác phần.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Đây gọi là tu bốn niệm xứ đầy đủ bảy giác phần. Vậy tu bảy giác phần thế nào để đầy đủ minh và giải thoát?
Phật bảo A-nan:
Nếu Tỳ-kheo tu niệm giác phần, nương vào viễn ly, nương vào vô dục, nương vào diệt tận, hướng đến xả ly; tu niệm giác phần rồi thì đầy đủ minh và giải thoát... (cho đến) tu xả giác phần, nương vào viễn ly, nương vào vô dục, nương vào diệt [tận], hướng đến xả ly. Như vậy, tu xả giác phần rồi thì đầy đủ minh và giải thoát. A-nan! Đó gọi là pháp pháp nương nhau, cùng thấm nhuần nhau. Mười ba pháp ấy, một pháp làm tăng thượng, một pháp làm cửa ngõ, thứ lớp tăng tiến, tu tập viên mãn.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.810. 0208a09). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.815. 0209b15); M. 118, Ānāpānasati Sutta (Kinh quán niệm hơi thở); S. 54.13 - V. 328.
[2] Một pháp chỉ cho pháp tu quán niệm hơi thở. Bốn pháp chỉ cho tứ niệm xứ. Bảy pháp chỉ cho bảy giác chi. Hai pháp chỉ cho minh và giải thoát.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.