Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
QUYỂN 29
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại thôn Kim Cương,[2] bên bờ sông Bạt-cầu-ma,[3] trong rừng Tát-la-lê.[4]
Bấy giờ, Thế Tôn giảng nói cho các Tỳ-kheo nghe về pháp quán bất tịnh, khen ngợi pháp quán bất tịnh. Ngài dạy:
Các Tỳ-kheo hãy tu tập quán bất tịnh. Người nào tu tập thuần thục sẽ được phước quả lớn và lợi ích lớn.
Sau khi tu quán bất tịnh, các Tỳ-kheo đều hết sức chán ghét thân, hoặc có người dùng dao tự sát, hoặc có người uống thuốc độc, hoặc có người treo cổ, hoặc có người lao vào vách núi tự sát, hoặc có người nhờ Tỳ-kheo khác đoạt mạng mình. Có Tỳ-kheo khác cực kỳ nhàm chán, ghê tởm sự bất tịnh nên đi đến nhà của một Phạm chí ngoại đạo tên Lộc Lâm và nói với ông ấy:
Hiền giả, làm ơn giết tôi giùm, y bát này tôi xin tặng lại Hiền giả.
Lộc Lâm liền theo lời yêu cầu giết chết Tỳ-kheo kia. Lúc Lộc Lâm đi đến bờ sông để rửa dao, có thiên ma ở giữa hư không khen ngợi ông ấy:
Lành thay! Lành thay! Hiền giả được vô lượng công đức, vì có thể khiến cho các Sa-môn Thích tử trì giới có đức, khiến người chưa độ được độ, người chưa giải thoát được giải thoát, người chưa chấm dứt sự sống khiến cho được chấm dứt sự sống, người chưa chứng đắc Niết-bàn khiến cho chứng đắc Niếtbàn, y bát và các tạp vật lợi dưỡng lâu dài khác đều thuộc về ông.
Bấy giờ, nghe lời ca ngợi này, Lộc Lâm càng tăng thêm tà kiến xấu ác, nghĩ thầm: “Hôm nay, ta đã thật sự làm điều phước đức lớn, giúp cho các Sa-môn họ Thích, những người trì giới công đức, người chưa độ được độ, người chưa giải thoát được giải thoát, người chưa chấm dứt sự sống khiến cho được chấm dứt sự sống, người chưa chứng đắc Niết-bàn khiến cho chứng đắc Niết-bàn, y bát và các tạp vật thuộc về ta.” Thế rồi, tay cầm dao bén, Lộc Lâm đi đến khắp phòng xá, chỗ kinh hành, phòng riêng, phòng tọa thiền, gặp các Tỳ-kheo liền bảo: “Những Sa-môn nào trì giới có đức mà chưa được độ ta sẽ độ cho, người chưa giải thoát ta sẽ giải thoát cho, người chưa chấm dứt sự sống ta sẽ chấm dứt sự sống cho, người chưa được Niết-bàn ta sẽ khiến cho được Niết-bàn.”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo chán ghét thân liền ra khỏi phòng, nói với Lộc Lâm:
Tôi chưa được độ, nhờ ông độ giúp; tôi chưa được giải thoát, nhờ ông giải thoát giúp cho; tôi chưa chấm dứt sự sống, nhờ ông giúp tôi chấm dứt sự sống; tôi chưa được Niết-bàn, nhờ ông giúp tôi được Niết-bàn.
Lộc Lâm liền cầm dao giết chết Tỳ-kheo ấy, lần lượt giết đến sáu mươi người.
Đến ngày rằm, trong giờ thuyết giới, Thế Tôn ngồi trước đại chúng, hỏi Tôn giả A-nan:
Này A-nan! Do nhân gì, duyên gì mà chúng Tỳ-kheo bỗng trở nên thưa thớt, giảm bớt gần hết?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Thế Tôn đã giảng nói cho các Tỳ-kheo nghe về pháp tu quán bất tịnh, ngợi khen pháp quán bất tịnh. Chúng Tỳ-kheo tu tập pháp ấy rồi liền cực kỳ chán ghét thân, (như đoạn kinh trên đã nói đầy đủ, cho đến) giết chết đến sáu mươi Tỳ-kheo. Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên ấy nên khiến cho chúng Tỳ-kheo trở nên thưa thớt, giảm bớt gần hết. Bạch Thế Tôn! Xin Ngài nói lại pháp khác để khiến cho các Tỳ-kheo nghe xong tinh tấn tu tập trí tuệ, được niềm vui từ Chánh pháp và được sống an vui trong Chánh pháp.
Phật bảo A-nan:
Vậy thì hôm nay Ta sẽ lần lượt nói về chỗ an trú vi tế, tùy thuận khai mở tỉnh giác, khiến cho những pháp ác, bất thiện đã khởi hoặc chưa khởi nhanh chóng dứt bặt. Ví như trời trút mưa lớn, bụi bặm đã bay lên hoặc chưa bay lên đều có thể khiến nó tan biến. Cũng thế, Tỳ-kheo an trú chỗ vi tế có thể khiến cho những pháp ác, bất thiện đã khởi hoặc chưa khởi nhanh chóng dứt bặt.
Này A-nan! Thế nào gọi là chỗ an trú vi tế, tu tập thuần thục, tùy thuận khai mở tỉnh giác thì khiến cho các pháp ác, bất thiện đã khởi hoặc chưa khởi nhanh chóng dứt bặt? Đó chính là an trú trong pháp quán niệm hơi thở.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
Thế nào gọi là tu tập an trú trong pháp quán niệm hơi thở, tùy thuận khai mở tỉnh giác, có thể khiến cho pháp ác, bất thiện đã khởi hay chưa khởi đều dứt bặt?
Phật bảo A-nan:
Nếu Tỳ-kheo nương nơi thôn xóm, (như kinh trên đã nói đầy đủ, cho đến) lắng dịu toàn thân hơi thở ra, quán niệm biết như thật. Hãy học tập như vậy!
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.809. 0207b21). Tham chiếu: S. 54.9 - V. 320.
[2] Kim Cương (金剛) dịch nghĩa của Vajji, tức Bạt-kỳ (跋祇).
[3] Bạt-cầu-ma hà (跋求摩河, Vaggumudā), thượng lưu của sông Hằng, hiện nay gọi là sông Bagmati, khởi nguồn từ cao nguyên Nepal.
[4] Tát-la-lê (薩羅梨). Phiên Phạn ngữ 翻梵語 (T.54. 2130.09. 1047b06) gọi là cây sam mộc (杉木), một loại cây thân gỗ, thuộc bộ Tùng Bách (Pinales).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.