Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 28

752. TỲ-KHEO CA-MA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Ca-ma đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn có nói đến dục. Vậy thế nào là dục?

Đức Phật bảo Ca-ma:

Dục ở đây chính là nói đến năm loại dục. Là năm loại nào? Đó là mắt nhận biết sắc đáng yêu, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn dục lạc. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân biết xúc chạm đáng yêu, đáng nhớ, vừa ý, nuôi lớn dục lạc, đó gọi là dục. Tuy nhiên, bản thân chúng không phải là dục mà sự tham đắm đối với chúng mới gọi là dục.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Năm sắc giữa thế gian,
Tự thân chẳng phải dục,
Tư duy về tham dục,
Đó là dục loài người,
Các sắc luôn nơi đời,
Hãy đoạn trừ tâm dục.

Tỳ-kheo Ca-ma bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn! Có con đường nào, có phương pháp nào dẫn đến việc đoạn trừ ái dục này chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

Có con đường gồm tám chi phần có thể đoạn trừ ái dục. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Ca-ma nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.752. 0198c27). Tham chiếu: S. 45.30 - V. 22.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.