Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 28
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, ân cần chào hỏi rồi ngồi sang một bên và bạch:
Thưa Cù-đàm! Nói về chánh kiến, vậy thế nào là chánh kiến?
Phật bảo Bà-la-môn:
Chánh kiến có hai thứ: Có chánh kiến thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh kiến của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.
Thế nào là chánh kiến thuộc thế tục, hữu lậu, có thấp thủ, hướng đến đường lành? Nghĩa là có bố thí, có chú nguyện, có tế tự... (cho đến) tự biết chẳng thọ thân sau. Bà-la-môn! Đó gọi là chánh kiến thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.
Này Bà-la-môn! Thế nào là chánh kiến của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo, tư duy tương ưng với vô lậu; đối với các pháp thì chọn lọc, phân biệt, tìm hiểu, khéo dùng phương tiện trí tuệ quán sát. Đó gọi là chánh kiến của bậc Thánh xuất thế vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Giống như Chánh kiến, cũng vậy, Chánh tư duy; Chánh ngữ; Chánh nghiệp; Chánh mạng; Chánh tinh tấn; Chánh niệm; Chánh định, mỗi kinh đều nói như trên.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.789. 0204c14). Tham chiếu: Thánh đạo kinh 聖道經 (T.01. 0026.189. 0735b27); M. 117, Mahācattārīsaka Sutta (Đại kinh bốn mươi).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.