Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 28
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người hướng đến nẻo tà thì trái nghịch Chánh pháp, chẳng ưa thích Chánh pháp; người hướng đến đường chánh thì ưa thích Chánh pháp, chẳng trái Chánh pháp. Thế nào là người hướng đến nẻo tà, trái nghịch Chánh pháp, chẳng ưa thích Chánh pháp? Nếu người tà kiến thì thân nghiệp, khẩu nghiệp đều như nhận thức của họ. Hoặc nghĩ tưởng, hoặc mong muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành động đều tùy thuộc tà kiến, tất cả đưa đến quả không ưa thích, không đáng nhớ, không vừa ý. Vì sao như vậy? Vì nhận thức sai lầm, tà vạy nên gọi là tà kiến. Người tà kiến khởi tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định. Ví như hạt giống trái đắng được gieo trồng trong đất, tùy thời vun tưới, hấp thu được vị đất, vị nước, vị gió, vị lửa, tất cả đều đắng. Vì sao như vậy? Bởi vì hạt giống đắng. Cũng thế, người tà kiến thì thân nghiệp, khẩu nghiệp đều như nhận thức của họ. Hoặc nghĩ tưởng, hoặc mong muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành động đều tùy thuận tà kiến, tất cả đưa đến quả chẳng ưa thích, chẳng đáng nhớ và chẳng vừa ý. Vì sao như vậy? Vì nhận thức sai lầm, tà vạy gọi là tà kiến. Người tà kiến có thể khởi tà tư duy... (cho đến) tà định. Đó gọi là người hướng đến nẻo tà, trái nghịch Chánh pháp, chẳng ưa thích Chánh pháp.
Thế nào là người hướng đến đường chánh, ưa thích Chánh pháp, chẳng trái nghịch Chánh pháp? Nếu người chánh kiến thì thân nghiệp, khẩu nghiệp đều như nhận thức của họ. Hoặc nghĩ tưởng, hoặc mong muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành động, thảy đều tùy thuận chánh kiến, tất cả đưa đến quả đáng ưa thích, đáng nghĩ nhớ, vừa ý. Vì sao như vậy? Vì nhận thức thiện lành gọi là chánh kiến. Người chánh kiến có thể khởi chánh tư duy... (cho đến) chánh định. Ví như giống cây mía ngọt, lúa mì, hạt nho được gieo xuống đất, tùy thời tưới nước, hấp thu vị đất, vị nước, vị gió, vị lửa, tất cả vị đều trở thành ngon ngọt.
Vì sao như vậy? Vì giống cây ngọt. Cũng thế, người chánh kiến thì thân nghiệp, khẩu nghiệp đều như nhận thức của họ. Hoặc nghĩ tưởng, hoặc mong muốn, hoặc ước nguyện, hoặc hành động đều tùy thuận chánh kiến, tất cả đều đưa đến quả đáng ưa thích, đáng nghĩ nhớ và vừa ý. Vì sao như vậy? Vì nhận thức thiện lành gọi là chánh kiến. Người chánh kiến có thể khởi chánh tư duy... (cho đến) chánh định. Đó gọi là người hướng chánh, ưa thích Chánh pháp, chẳng trái nghịch Chánh pháp.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
(Thế gian, xuất thế gian cũng nói như vậy. Như ba kinh trên, cũng đều nói bài kệ):
Điều xấu chẳng nên gần,
Đừng phóng túng, buông lung,
Đừng tập theo tà kiến,
Tăng trưởng nơi thế gian.
Giả sử trong thế gian,
Người chánh kiến tăng thượng,
Dẫu qua trăm ngàn đời,
Trọn chẳng rơi đường ác.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.788. 0204b09). Tham chiếu: A. 10.104 - V. 212.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.