Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 28

785. GIẢNG RỘNG THÁNH ĐẠO TÁM CHI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

(Như kinh trên đã nói, chỉ khác là thêm vào đoạn sau):

– Thế nào là chánh kiến? Chánh kiến có hai thứ: Có chánh kiến thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh kiến thuộc bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh kiến hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Nghĩa là nếu người kia thấy có bố thí, có chú nguyện... (cho đến) biết thế gian có bậc A-la-hán chẳng thọ thân sau. Đó gọi là chánh kiến thế gian, hữu lậu, thuộc thế tục, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh kiến của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo, tư duy tương ứng với vô lậu; đối với các pháp thì chọn lọc, phân biệt, suy tìm, thấy biết sáng suốt, tỉnh giác quan sát. Đây gọi là chánh kiến của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh tư duy? Chánh tư duy có hai thứ: Có chánh tư duy thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh tư duy của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh tư duy thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Đó là chánh tư duy về niệm tưởng64 giải thoát, tư duy về niệm tưởng không sân hận, tư duy về niệm tưởng không não hại. Đó gọi là chánh tư duy thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh tư duy của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Đó là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo, tư duy tương ưng với tâm vô lậu; đối với pháp thì phân biệt, tự quyết, ý hiểu rõ ràng, đo lường rành rẽ. Đó gọi là chánh tư duy của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh ngữ? Chánh ngữ có hai thứ: Có chánh ngữ thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh ngữ của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh ngữ thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Đó là lời nói chân chánh: Xa lìa nói dối, nói hai chiều, nói lời thô ác, nói thêu dệt. Đó gọi là chánh ngữ thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh ngữ của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Đó là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; từ bỏ lối sống tà mạng, xa lìa bốn điều ác và các điều ác khác của miệng; đối với những lời nói ác thì vô lậu, viễn ly, không dính mắc, giữ gìn vững vàng không trái phạm, không nói phi thời, không nói quá giới hạn. Đó gọi là chánh ngữ của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh nghiệp? Chánh nghiệp có hai thứ: Có chánh nghiệp thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh nghiệp của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh nghiệp thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Nghĩa là lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Đó gọi là chánh nghiệp thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh nghiệp của bậc Thánh xuất thế, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; từ bỏ lối sống tà mạng, ba ác hạnh nơi thân và các hạnh ác khác của thân; tâm vô lậu, không ưa thích chấp trước, giữ gìn vững vàng không trái phạm, không làm việc phi thời, không làm việc quá giới hạn. Đó gọi là chánh nghiệp của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh mạng? Chánh mạng có hai thứ: Có chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh mạng của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Nghĩa là đúng như pháp mà tìm cầu y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc thang, chứ chẳng phải không đúng như pháp. Đó gọi là chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh mạng của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Đó là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; đối với lối sống tà mạng giữ tâm vô lậu, không muốn vương vào, giữ gìn vững vàng không trái phạm, không sống vô độ, không sống quá giới hạn. Đó gọi là chánh mạng của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh tinh tấn? Chánh tinh tấn có hai thứ: Có chánh tinh tấn thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh tinh tấn của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh tinh tấn thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Nghĩa là ước muốn tinh tấn, nỗ lực vượt lên, bền bỉ, kiên trì, kham nhẫn với mọi việc làm, siêng năng nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh tinh tấn thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh tinh tấn của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; suy niệm về tâm pháp tương ưng vô lậu, ước muốn tinh tấn nỗ lực, chuyên cần mạnh mẽ siêu xuất, bền bỉ, kiên trì, kham nhẫn với mọi việc làm, siêng năng nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh tinh tấn của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh niệm? Chánh niệm có hai thứ: Có chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh niệm của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Hoặc là nhớ nghĩ, hoặc chú tâm nhớ nghĩ, hoặc nghĩ lại, hoặc nhớ lại không quên, không hư dối. Đó gọi là chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh niệm của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; tư duy tương ưng với vô lậu, hoặc nhớ nghĩ, hoặc chú tâm nhớ nghĩ, hoặc nghĩ lại, hoặc nhớ lại không quên, không hư dối. Đó gọi là chánh niệm của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh định? Chánh định có hai thứ: Có chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành; có chánh định của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Thế nào là chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành? Nếu tâm an trụ chẳng loạn, chẳng động, chuyên chú, lặng dừng, nhất tâm, tam-muội, đó gọi là chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, có chấp thủ, hướng đến đường lành.

Thế nào là chánh định của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, không chấp chủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ở nơi khổ tư duy về khổ, ở nơi tập, diệt, đạo tư duy về đạo; tư duy tương ưng với vô lậu, tâm pháp an trụ, chẳng loạn, chẳng tán, chuyên chú, lặng dừng, nhất tâm, tam-muội. Đó gọi là chánh định của bậc Thánh xuất thế gian, vô lậu, chẳng chấp thủ, dứt khổ hoàn toàn, đưa đến giải thoát.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.785. 0203a19). Tham chiếu: Thánh đạo kinh 聖道經 (T.01. 0026.189. 0735b27); M. 117, Mahācattārīsaka Sutta (Đại kinh bốn mươi). 64 Nguyên tác: Giác (覺, vittaka): Suy tầm, niệm tưởng.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.