Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 28

784. TÀ VÀ CHÁNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Có tà, có chánh. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy.

Thế nào là tà? Đó là tà kiến... (cho đến) tà định. Thế nào là chánh? Đó là chánh kiến... (cho đến) chánh định.

Thế nào là chánh kiến? Nghĩa là có bố thí, có chú nguyện,[2] có tế tự, có làm thiện, có làm ác, có quả báo của việc thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha mẹ, có chúng sanh [hóa] sanh, có bậc A-la-hán khéo đi đến, khéo quy hướng[3][4] ở đời này hay đời khác để tự mình chứng biết và thành tựu an trú: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Thế nào là chánh tư duy? Nghĩa là tư duy về giải thoát, tư duy về không sân hận, tư duy về không não hại.

Thế nào là chánh ngữ? Nghĩa là xa lìa nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêm bớt.

Thế nào là chánh nghiệp? Nghĩa là xa lìa sát sanh, trộm cướp, dâm dục.

Thế nào là chánh mạng? Nghĩa là đúng như pháp mà tìm cầu y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc thang chứ chẳng phải không như pháp.

Thế nào là chánh tinh tấn? Nghĩa là ước muốn siêng năng, nỗ lực buông bỏ, tinh cần kham nhẫn, thường thực hành không giảm sút.

Thế nào là chánh niệm? Nghĩa là nhớ nghĩ, chú tâm nhớ nghĩ,[5] không dối, không hư.

Thế nào là chánh định? Nghĩa là an trụ tâm không tán loạn, kiên cố, chuyên chú, lặng ngưng, tam-muội, nhất tâm.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:


[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.784. 0203a01). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.770. 0201a09); Bát chánh đạo kinh 八正道經 (T.02. 0112. 0504c26); S. 45.8 - V. 8; S. 45.21 - V. 17.

[2] Nguyên tác: Hữu thuyết (有說), cách viết khác của “chú thuyết” (呪說). Tham chiếu: Già-lam kinh 伽藍經 (T.01. 0026.16. 0439a24): Có bố thí, có tế tự và cũng có chú nguyện (有施有齋, 亦有呪說).

[3] Nguyên tác: Hữu A-la-hán thiện đáo, thiện hướng, hữu thử thế, tha thế, tự tri tác chứng Cụ túc trụ (有阿羅漢善到, 善向, 有此世, 他世, 自知作證具足住). Tham chiếu: Già-lam kinh 伽藍經 (T.01. 0026.16.

[4] a26): Thế gian có bậc Chân nhân sanh đến cõi lành, khéo đi, khéo quy hướng ở đời này hay đời khác, để tự biết, tự ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú (世有真人往至善處, 善去善向, 此世彼世自知, 自覺, 自作證成就遊). Xem thêm S. 42.13 - IV. 340: Loke samaṇabrāhmaṇā sammaggatā sammāpaṭipannā ye imañca lokaṃ parañca lokaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedentī’ti (Ở đời, có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác và truyền dạy lại), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Nguyên tác: Niệm, tùy thuận niệm (念, 隨順念). Niệm (念, sati), sati có tự căn sar, với động từ sarati, nghĩa là ghi nhớ, mang theo. “Tùy thuận niệm” (隨順念) là cách dịch khác của “tùy niệm” (隨念, anussati). DhsA (Atthasālinī) giải thích: Punappunaṃ saraṇato anussaraṇavasena anussati (Tùy niệm là ước muốn, nhớ nghĩ, là sự nhớ lại thường xuyên).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.