Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 28

749. TƯỚNG VÔ MINH VÀ MINH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu vô minh6 là tướng đầu tiên thì sẽ sanh khởi các pháp xấu ác và bất thiện, rồi theo đó mà sanh ra vô tàm, vô quý. Khi vô tàm, vô quý đã sanh khởi rồi thì sẽ sanh ra tà kiến.[2] Khi tà kiến đã sanh rồi thì sẽ sanh khởi tà tư duy,[3] tà ngữ,[4] tà nghiệp,[5] tà mạng,[6] tà tinh tấn,[7] tà niệm[8] và tà định.[9]

Nếu minh là tướng đầu tiên thì sẽ sanh khởi các pháp thiện, rồi tàm và quý theo đó mà sanh khởi. Khi tàm và quý đã sanh khởi rồi thì sẽ phát sanh chánh kiến. Khi chánh kiến đã sanh rồi thì sẽ đồng thời sanh khởi chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định cũng tuần tự mà sanh khởi. Khi chánh định đã sanh khởi rồi thì vị Thánh đệ tử liền được hoàn toàn giải thoát khỏi tham dục, sân hận và ngu si. Như vậy, khi Thánh đệ tử đã hoàn toàn giải thoát rồi thì sẽ có được chánh tri kiến và tự nhận biết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.749. 0198b14). Tham chiếu: S. 45.1 - V. 1. 6 Vô minh (無明, avijjā).

[2] Tà kiến (邪見, micchādiṭṭhi).

[3] Nguyên tác: Tà chí (邪志, micchāsaṅkappa).

[4] Tà ngữ (邪語, micchāvācā).

[5] Tà nghiệp (邪業, micchākammanta).

[6] Tà mạng (邪命, micchājīva).

[7] Nguyên tác: Tà phương tiện (邪方便, micchāvāyāma).

[8] Tà niệm (邪念, micchāsati).

[9] Tà định (邪定, micchāsamādhi).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.