Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 27

719.  TÔN GIẢ ƯU-BA-MA28

 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại ấp Ba-liên-phất.
Lúc ấy có Tôn giả Ưu-ba-ma, 29Tôn giả A-đề-mục-đa đang ở tinh xá Kê Lâm,30 thuộc ấp Ba-liên-phất.31
Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả A-đề-mục-đa xả thiền, đến chỗ Tôn giả Ưu-ba-ma ân cần thăm hỏi nhau xong rồi ngồi sang một bên và hỏi Tôn giả Ưu-ba-ma rằng:
– Tôn giả có thể biết chăng, phải nỗ lực tu tập bảy giác phần như thế nào để có thể chứng nhập an lạc như thế hoặc không chứng nhập được an lạc như thế?32
Tôn giả Ưu-ba-ma đáp:
– Tôn giả A-đề-mục-đa! Tỳ-kheo khéo biết nỗ lực tu tập bảy giác phần thì có thể chứng nhập an lạc như thế hoặc không chứng nhập được an lạc như thế.
Tôn giả A-đề-mục-đa lại hỏi:
– Tỳ-kheo phải khéo biết nỗ lực tu tập bảy giác phần như thế nào?
Ưu-ba-ma đáp:
– Khi Tỳ-kheo nỗ lực tu tập niệm giác phần thì phải biết tư duy như vầy: Tâm này chưa khéo giải thoát, chưa loại bỏ ham mê ngủ nghỉ, chưa khéo điều phục trạo hối. Nếu không loại trừ được ham mê ngủ nghỉ thì dù ta có tư duy pháp niệm giác phần, lại nỗ lực tinh cần thì vẫn không thể thành tựu trọn vẹn.33 Đối với trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả giác phần cũng lại như vậy.
Khi Tỳ-kheo nỗ lực tu tập niệm giác phần, trước tiên nên tư duy như vầy: Tâm đã khéo giải thoát, đã loại trừ ham mê ngủ nghỉ, đã điều phục trạo hối. Nếu ta tư duy về niệm giác phần này rồi thì không cần siêng năng và nỗ lực nhưng vẫn thành tựu trọn vẹn.
Như vậy, này A-đề-mục-đa! Tỳ-kheo biết nỗ lực tu tập bảy giác phần thì có thể chứng nhập an lạc như thế và cũng có thể không chứng nhập được an lạc như thế.
Bấy giờ, hai vị Hiền giả cùng đàm đạo xong đều đứng dậy cáo từ.

***

28Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.719. 0193b28). Tham chiếu: S. 46.8 - V. 76.
29Ưu-ba-ma (優波摩, Upavāṇa).
30Kê Lâm (雞林).
31Ba-liên-phất (巴連弗, Pāṭaliputta). Xem chú thích 5, kinh số 604, quyển 23, tr. 682; Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0161b13).
32Nguyên tác: Như thị khổ trụ chánh thọ (如是苦住正受), là cách viết tương tự như cú ngữ ở trong phần cuối kinh: Như thị bất lạc trụ chánh thọ (如是不樂住正受). Tham chiếu: S. 46.8 - V. 76: “Thưa Hiền giả Upavāna, Tỷ-kheo có thể biết được chăng, do tự mình như lý tác ý, bảy giác chi được khéo an trú trong ta, đưa đến lạc trú?” (HT. Thích Minh Châu dịch).
33Nguyên tác: Bình đẳng (平等). Đẳng (等), có lẽ được dịch từ sammā, nghĩa là hoàn toàn, trọn vẹn.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.