Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hôm nay Ta sẽ nói về năm thứ che lấp, bảy giác phần, có thức ăn và không có thức ăn. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho các thầy nghe.
Ví như thân thể phải nhờ vào thức ăn thì mới tồn tại, không thể không ăn. Cũng vậy, năm thứ che lấp phải nhờ vào thức ăn mà tồn tại, không thể không ăn.
Phiền não tham dục13 lấy gì làm thức ăn? Nghĩa là đối với những hình tướng xúc cảm,14 nếu tư duy bất chánh về chúng thì tham dục chưa sanh liền sanh khởi, tham dục đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó là thức ăn của phiền não tham dục.
Những gì là thức ăn của phiền não sân hận? Nghĩa là đối với những hình tướng gây chướng ngại,15 nếu tư duy bất chánh về chúng thì phiền não sân hận chưa sanh sẽ sanh khởi, phiền não sân hận đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó là thức ăn của phiền não sân hận.
Những gì là thức ăn của phiền não thùy miên? Có năm điều, những gì là năm? Là uể oải, không vui, ngáp ợ, ăn nhiều và biếng nhác, nếu tư duy bất chánh về chúng sẽ khiến phiền não thùy miên chưa sanh sẽ sanh khởi, phiền não thùy miên đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó là thức ăn của phiền não thùy miên.
Những gì là thức ăn của phiền não trạo hối? Có bốn điều. Những gì là bốn? Đó là nghĩ tưởng về người thân, nghĩ tưởng về mọi người, nghĩ tưởng về chư thiên và nghĩ tưởng về niềm vui đã từng trải qua. Tự mình nhớ lại hoặc do người khác khiến mình nhớ lại rồi nghĩ tưởng miên man. Đối với những sự nghĩ tưởng ấy mà khởi lên tư duy bất chánh sẽ khiến phiền não trạo hối chưa sanh liền sanh khởi, phiền não trạo hối đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó là thức ăn của phiền não trạo hối.
Những gì là thức ăn của phiền não nghi ngờ? Có ba đời. Những gì là ba? Đó là đời quá khứ, đời tương lai và đời hiện tại. Do dự đối với đời quá khứ, do dự đối với đời tương lai và do dự đối với đời hiện tại. Đối với những do dự này mà khởi lên tư duy bất chánh sẽ khiến phiền não nghi ngờ chưa sanh liền sanh, phiền não nghi ngờ đã sanh càng thêm tăng trưởng. Đó là thức ăn của phiền não nghi ngờ.
Ví như thân thể phải nhờ vào thức ăn mới được nuôi lớn, không thể không ăn. Cũng vậy, bảy giác phần phải nhờ vào thức ăn mới tồn tại, nhờ vào thức ăn mới được nuôi lớn, không thể không ăn.
Từ bỏ16 thức ăn của niệm giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về bốn niệm xứ thì khiến cho niệm giác phần chưa sanh sẽ không sanh khởi, niệm giác phần đã sanh bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của niệm giác phần.
Từ bỏ thức ăn của trạch pháp giác phần là thế nào? Nghĩa là đối với sự phân biệt pháp thiện và sự phân biệt pháp bất thiện mà không tư duy về chúng, khiến trạch pháp giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, trạch pháp giác phần đã sanh khởi rồi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của trạch pháp giác phần.
Từ bỏ thức ăn của tinh tấn giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về bốn chánh cần,17 khiến tinh tấn giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, tinh tấn giác phần đã sanh khởi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của tinh tấn giác phần.
Từ bỏ thức ăn của hỷ giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về hỷ và những pháp làm trú xứ cho hỷ, khiến cho hỷ giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, hỷ giác phần đã sanh khởi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của hỷ giác phần.
Từ bỏ thức ăn của khinh an giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về thân khinh an và tâm khinh an, khiến khinh an giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, khinh an giác phần đã sanh khởi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của khinh an giác phần.
Từ bỏ thức ăn của định giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về bốn thiền, khiến định giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, định giác phần đã sanh khởi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của định giác phần.
Từ bỏ thức ăn của xả giác phần là thế nào? Nghĩa là không tư duy về ba giới: Đoạn giới,18 vô dục giới19 và diệt giới,20 khiến xả giác phần chưa sanh sẽ không thể sanh khởi, xả giác phần đã sanh khởi thì bị giảm sút. Đó gọi là từ bỏ thức ăn của xả giác phần.
Những gì không phải là thức ăn của phiền não tham dục? Đó là quán bất tịnh. Nếu tư duy về bất tịnh thì phiền não tham dục chưa sanh sẽ không sanh khởi, phiền não tham dục đã sanh khởi sẽ bị đoạn trừ. Đó gọi là không nuôi dưỡng phiền não tham dục.
Những gì không phải là thức ăn của phiền não sân hận? Tư duy về tâm từ sẽ khiến phiền não sân hận chưa sanh sẽ không sanh khởi, phiền não sân hận đã sanh khởi sẽ bị đoạn trừ. Đó gọi là không nuôi dưỡng phiền não sân hận.
Những gì không phải là thức ăn của phiền não thùy miên? Tư duy về ánh sáng21 khiến phiền não thùy miên chưa sanh sẽ không sanh, phiền não thùy miên đã sanh khởi sẽ bị đoạn trừ. Đó gọi là không nuôi dưỡng phiền não thùy miên.
Những gì không phải là thức ăn của phiền não trạo hối? Tư duy về tịch tĩnh khiến phiền não trạo hối chưa sanh sẽ không sanh, phiền não trạo hối đã sanh khởi sẽ bị đoạn trừ. Đó gọi là không nuôi dưỡng phiền não trạo hối.
Những gì không phải là thức ăn của phiền não nghi ngờ? Tư duy về pháp duyên khởi khiến phiền não nghi ngờ chưa sanh sẽ không sanh khởi, phiền não nghi ngờ đã sanh khởi sẽ bị đoạn trừ. Đó gọi là không nuôi dưỡng phiền não nghi ngờ.
Ví như thân thể phải nhờ vào thức ăn mà sống, nhờ vào thức ăn mà tồn tại; cũng vậy, bảy giác phần cũng nhờ vào thức ăn mà hiện hữu, nhờ vào thức ăn mà tồn tại.
Những gì là thức ăn của niệm giác phần? Tư duy về bốn niệm xứ rồi thì niệm giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, niệm giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của niệm giác phần. Những gì là thức ăn của trạch pháp giác phần? Có phân biệt pháp thiện và phân biệt pháp bất thiện, tư duy về chúng rồi thì trạch pháp giác phần chưa sanh khởi sẽ sanh khởi, trạch pháp giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của trạch pháp giác phần.
Những gì là thức ăn của tinh tấn giác phần? Tư duy về bốn chánh cần sẽ khiến tinh tấn giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, tinh tấn giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của tinh tấn giác phần.
Những gì là thức ăn của hỷ giác phần? Có hỷ và những pháp trú xứ của hỷ, tư duy về chúng sẽ khiến cho hỷ giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, hỷ giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của hỷ giác phần.
Những gì là thức ăn của khinh an giác phần? Tư duy về thân khinh an và tâm khinh an sẽ khiến khinh an giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, khinh an giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của khinh an giác phần.
Những gì là thức ăn của định giác phần? Tư duy về bốn thiền khiến định giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, định giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của định giác phần.
Những gì là thức ăn của xả giác phần? Có ba giới là đoạn giới, vô dục giới và diệt giới; tư duy về chúng khiến xả giác phần chưa sanh sẽ sanh khởi, xả giác phần đã sanh khởi càng thêm tăng trưởng. Đó gọi là thức ăn của xả giác phần.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
12Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.715. 0192a25). Tham chiếu: S. 46.2 - V. 64; S. 46.51 - V. 102.
13Nguyên tác: Tham dục cái (貪欲蓋). Cái (āvaraṇa) chỉ cho phiền não. Do phiền não che lấp thiện tâm thanh tịnh của chúng sanh, khiến cho thiện tâm không thể phát khởi, nên gọi phiền não là “cái”, hoặc “triền cái.”
14Nguyên tác: Xúc tướng (觸相): Những đối tượng tạo nên xúc cảm, gồm những tướng tốt đẹp (subhanimitta) hoặc không tốt đẹp (asubhanimitta).
15Nguyên tác: Chướng ngại tướng (障礙相, paṭighanimitta): Những tướng gây nên sự chán ghét, không vừa ý, không đáng ưa chuộng (aniṭṭhaṃ).
16Nguyên tác: Bất thực (不食), tức kiêng bỏ, không ăn (不吃).
17Nguyên tác: Tứ chánh đoạn (四正斷), tức “tứ chánh cần” (四正勤, cattāri sammappadhānāni).
18Đoạn giới (斷界). Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.464. 0118b29): Đoạn tất cả hành, đó gọi là “đoạn giới” (斷一切行, 是名斷界).
19Vô dục giới (無欲界). Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.464. 0118b29): Đoạn trừ ái dục, đó gọi là “vô dục giới” (斷除愛欲, 是無欲界).
20Diệt giới (滅界). Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.464. 0118c01): Diệt tất cả hành, đó gọi là “diệt giới” (一切行滅, 是名滅界).
21Tham chiếu: S. 46.2 - V. 64: “Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (ārambhadhātu), tinh cần giới (nikkamadhātu), cần dõng giới (parakkamadhātu)” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.