Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại ấp Hoàng Chẩm84 của dòng họ Thích.
Bấy giờ vào lúc sáng sớm, số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào ấp Hoàng Chẩm khất thực. Lúc đó, nhiều Tỳ-kheo khởi lên suy nghĩ: “Giờ này hãy còn quá sớm, vẫn chưa đến giờ khất thực. Chúng ta có thể ghé qua tinh xá của các tu sĩ ngoại đạo.”
Thế rồi, số đông Tỳ-kheo cùng đến tinh xá của các tu sĩ ngoại đạo. Đến nơi, cùng chào hỏi nhau xong rồi ngồi sang một bên. Lúc này, các tu sĩ ngoại đạo hỏi:
– Sa-môn Cù-đàm có dạy những pháp này cho các đệ tử chăng? Đó là: “Đoạn trừ năm thứ ngăn che làm não loạn tâm, khiến trí tuệ yếu kém, là yếu tố gây chướng ngại và không dẫn đến Niết-bàn. Hãy khéo giữ gìn tâm mình, an trụ bốn niệm xứ, giữ tâm tương ưng với từ, không oán, không ghét, cũng không sân hận, trải tâm rộng lớn vô biên, khéo tu tập đầy đủ, trùm khắp bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, khắp tất cả thế gian; giữ tâm tương ưng với từ, không oán, không ghét, cũng không sân hận, trải tâm rộng lớn vô biên, khéo tu tập đầy đủ, hãy như vậy mà tu tập. Cũng vậy, tu tập tâm tương ưng với bi, hỷ, xả cũng nói tương tự như thế?” Chúng tôi cũng giảng dạy cho các đệ tử mình giống như vậy. Thế thì, giữa chúng tôi và Sa-môn Cù-đàm kia có gì khác biệt nhau? Nghĩa là cả hai đều có thể nói pháp.
Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe các tu sĩ ngoại đạo nói những lời này thì trong lòng không vui, nhưng vẫn im lặng không trách cứ gì rồi đứng dậy rời đi. Sau khi vào ấp Hoàng Chẩm khất thực xong, các vị Tỳ-kheo này trở về tinh xá, thu dọn y bát và rửa chân. Sau đó họ cùng đến chỗ đức Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và đem những lời của các tu sĩ ngoại đạo kia trình lại đầy đủ với Thế Tôn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
– Nếu các tu sĩ ngoại đạo kia nói như vậy thì các thầy nên hỏi lại rằng: “Tu tập tâm từ như thế nào để đạt đến chỗ tối thắng? Tu tập tâm bi, hỷ, xả như thế nào để đạt đến chỗ tối thắng?” Khi bị hỏi như vậy thì các tu sĩ ngoại đạo kia sẽ hoang mang, lo sợ, hoặc họ nói lảng sang chuyện khác, hoặc nổi giận, hoặc chê bai trách mắng, hoặc chống đối không nhẫn nhịn, hoặc lặng im ấm ức, hoặc cúi đầu không nói lời nào và đứng lặng suy ngẫm. Vì sao như vậy? Vì Như Lai chưa thấy ai trong chúng chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la môn, cho đến trời và người khi nghe những điều Như Lai giảng nói mà ưa thích và thuận theo, ngoại trừ Như Lai và chúng đệ tử của Như Lai.
Này các Tỳ-kheo! Vị nào tu tâm tương ưng với từ và tu tập thuần thục đến chỗ thanh tịnh là tối thắng; tu tập tâm bi và tu tập thuần thục đến chỗ Không vô biên xứ85 là tối thắng; tu tập tâm hỷ và tu tập thuần thục đến chỗ Thức vô biên xứ86 là tối thắng; tu tập tâm xả và tu tập thuần thục đến chỗ Vô sở hữu xứ87 là tối thắng.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
83 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.743. 0197b15). Tham chiếu: S. 45.54 - V. 115.
84 Nguyên tác: Hoàng Chẩm ấp (黃枕邑, Koliyānaṁ nigama), một ngôi làng của dòng họ Koliya.
85 Nguyên tác: Không nhập xứ (空入處), còn gọi là Không xứ (空處), Không vô biên xứ (空無邊處), là cõi trời thứ nhất trong bốn cõi trời Vô Sắc.
86 Nguyên tác: Thức nhập xứ (識入處), còn gọi là Thức vô biên xứ (識無邊處), cõi trời thứ hai của cõi Vô Sắc.
87 Nguyên tác: Vô sở hữu nhập xứ (無所有入處), cõi trời thứ ba của cõi Vô Sắc.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.