Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo... (tiếp theo như kinh trên, phần khác nhau là):
– Nếu có hàng tu sĩ ngoại đạo nói những lời như thế thì các thầy nên hỏi lại như vầy: “Khi tâm mê mờ và do dự9 thì nên tu tập giác phần nào? Những gì không nên tu tập khi ấy? Nếu tâm trạo cử,10 tâm đã trạo cử và do dự thì nên tu tập giác phần nào? Những gì không nên tu tập khi ấy?” Khi bị hỏi như vậy thì các ngoại đạo kia sẽ giật mình kinh ngạc rồi nói sang đề tài khác, hoặc tâm nổi giận, chê bai, kiêu mạn, hiềm hận, không cam chịu, hoặc im lặng cúi đầu, không lời biện luận, trầm ngâm suy tư. Vì sao như thế? Vì Ta chưa thấy ai trong chúng trời, người, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn hay Bà-la-môn nghe Ta nói như thế mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ Như Lai và chúng đệ tử đang nghe ở đây.
Này các Tỳ-kheo! Nếu như khi tâm yếu kém, do dự thì không nên tu tập khinh an giác phần, định giác phần và xả giác phần. Vì sao như thế? Vì khi tâm yếu kém, do dự phát sanh mà tu những pháp này sẽ khiến cho tâm yếu kém thêm. Ví như muốn đống lửa nhỏ bốc cháy mà cho thêm than tro vào. Thế nào, này các Tỳ-kheo! Có phải khi cho thêm than tro vào sẽ khiến cho đống lửa bị tắt đúng không?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Đúng vậy, thưa Thế Tôn!
- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Khi tâm yếu kém và do dự mà nếu tu khinh an giác phần, định giác phần và xả giác phần thì không thích hợp, sẽ làm cho sự giải đãi tăng thêm.
Nếu tâm trạo cử sanh khởi, nếu tâm đã trạo cử và do dự thì không nên tu trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần và hỷ giác phần. Vì sao như vậy? Vì khi tâm trạo cử sanh khởi, tâm đã trạo cử và do dự thì những pháp đó có thể khiến cho sự trạo cử tăng thêm. Ví như đống lửa đang cháy, muốn dập tắt nó nhưng lại quăng thêm củi khô vào. Ý các thầy nghĩ sao? Chẳng phải sẽ làm cho đống lửa ấy bùng cháy thêm ư?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Cũng vậy, khi tâm trạo cử sanh khởi, tâm đã trạo cử và do dự mà tu trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần và hỷ giác phần thì sự trạo cử càng tăng thêm.
Này các Tỳ-kheo! Nếu tâm yếu kém sanh khởi, tâm đã yếu kém và do dự thì khi ấy nên tu trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần và hỷ giác phần. Vì sao như thế? Vì khi tâm yếu kém sanh khởi, tâm đã yếu kém và do dự thì nhờ những pháp này sẽ khiến cho tâm được mở bày, dạy bảo, khích lệ, hoan hỷ.11 Ví như muốn đống lửa nhỏ cháy bừng lên thì phải cho thêm nhiều củi khô vào. Thế nào, này các Tỳ-kheo! Khi ấy đống lửa này sẽ cháy bùng lên chứ?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Cũng vậy, với tâm yếu kém sanh khởi, tâm đã yếu kém và do dự thì khi ấy nên tu trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần và hỷ giác phần thì tâm sẽ được mở bày, dạy bảo, khích lệ, hoan hỷ. Nếu tâm trạo cử sanh khởi, tâm đã trạo cử và do dự thì nên tu tập khinh an giác phần, định giác phần và xả giác phần. Vì sao như thế? Vì khi tâm trạo cử sanh khởi, tâm đã trạo cử và do dự thì những pháp này có thể giúp tâm thu nhiếp và an trú bên trong. Giống như đống lửa đang cháy mà muốn cho tắt thì quăng nhiều tro vào, khi đó đống lửa kia sẽ tắt.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Khi tâm trạo cử sanh khởi, tâm đã trạo cử và do dự mà tu tập trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần và hỷ giác phần thì không thích hợp; còn tu tập khinh an giác phần, định giác phần và xả giác phần thì thích hợp, vì những pháp như thế giúp tâm thu nhiếp và an trú bên trong.
Niệm giác phần hỗ trợ cho tất cả.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.714. 0191c15). Tham chiếu: S. 46.53 - V. 112.S. 46.59 - V. 131; S. 46.60 - V. 131; S. 46.61 - V. 131.
9 Nguyên tác: Tâm vi liệt do dự (心微劣猶豫). S. 46.59 - V. 131: Līnaṃ cittaṃ (tâm thụ động), HT. Thích Minh Châu dịch.
10 Nguyên tác: Trạo (掉, uddhata): Tháo động, dao động.
11 Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105;Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.