Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
(Giống như kinh trên đã nói, chỉ khác biệt là thêm vào đoạn sau):
– Nếu Tỳ-kheo tu tập bảy giác phần và tu tập thuần thục rồi sẽ thành tựu bảy quả vị, có được bảy lợi ích. Những gì là bảy? Đó là Tỳ-kheo ấy có được niềm vui chứng đắc chánh trí trong đời hiện tại. Nếu chưa đạt được niềm vui chứng đắc chánh trí trong đời hiện tại thì đến lúc lâm chung sẽ đạt được. Nếu đến lúc lâm chung vẫn chưa được như vậy sẽ đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, chứng đắc Trung Bát-niết-bàn.70 Nếu chưa chứng được Trung Bát-niết-bàn sẽ chứng đắc Sanh Bát-niết-bàn.71 Nếu chưa chứng được Sanh Bát-niết-bàn sẽ chứng được Vô hành Bát-niết-bàn.72 Nếu chưa chứng được Vô hành Bát-niết bàn sẽ chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn.73 Nếu chưa chứng được Hữu hành Bát-niết-bàn sẽ chứng được Thượng lưu Bát-niết-bàn.74
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
69 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.736. 0196c11). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.740. 0197a21); S. 46.3 - V. 67.
70 Trung Bát-niết-bàn (中般涅槃, Antarāparinibbāyī). Tập-dị-môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536. 14. 0426a03) giải thích: Đó là hạng người ngay trong đời hiện tại đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử nhưng chưa đoạn trừ được năm thượng phần kiết sử, dị thục nghiệp được sanh khởi, tạo tác và tăng trưởng rồi sanh phi dị thục nghiệp. Khi thân hoại mạng chung, vị đó nương thân trung hữu để sanh lên cõi trời Sắc giới rồi chứng đắc như thật vô lậu đạo lực, tiến lên đoạn trừ các kiết sử còn lại và chứng nhập Niết-bàn, đó gọi là hạng người Trung Bát-niết-bàn. Về từ “trung hữu” (中有), Tam-di-để bộ luận 三彌底部論 (T.32. 1649.2. 0467b20) cho biết, đó chính là thân trung ấm.
71 Sanh Bát-niết-bàn (生般涅槃, Upahaccaparinibbāyī). Tập-dị-môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536.14. 0426a12) giải thích: Đó là hạng người ở ngay trong đời hiện tại đã đoạn trừ, đã biết rõ năm hạ phần kiết sử nhưng chưa đoạn trừ và chưa biết rõ năm thượng phần kiết sử, dị thục nghiệp được sanh khởi, tạo tác và tăng trưởng rồi sanh phi dị thục nghiệp. Khi thân hoại mạng chung, vị đó nương thân trung hữu để sanh lên và an trú ở cõi trời Sắc giới. Khi sanh vào cõi đó chưa bao lâu thì chứng đắc như thật vô lậu đạo lực rồi tiến lên đoạn trừ các kiết sử còn lại và chứng nhập Niết-bàn, đó gọi là hạng người Sanh Bát-niết-bàn.
72 Vô hành Bát-niết-bàn (無行般涅槃, Asaṅkhāraparinibbāyī): Sau khi tái sanh Sắc giới, không do nỗ lực tu tập mà nhập Niết-bàn. Tập-dị-môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536.14. 0426b07) giải thích: Đó là hạng người ở ngay trong đời hiện tại đã đoạn trừ, đã biết rõ năm hạ phần kiết sử nhưng chưa đoạn trừ và chưa biết rõ năm thượng phần kiết sử, dị thục nghiệp được sanh khởi, tạo tác và tăng trưởng rồi sanh phi dị thục nghiệp. Khi thân hoại mạng chung, vị đó nương thân trung hữu để sanh lên và an trú ở cõi trời Sắc giới. Khi sanh vào cõi đó một thời gian, không cần nương vào sự tu tập, không cần nỗ lực, không cần nỗ lực tác ý tu tập không ngưng nghỉ các trợ đạo để rồi sau đó đoạn trừ các kiết sử còn lại và chứng nhập Niết-bàn, đó gọi là hạng người Vô hành Bát-niết-bàn. 73 Hữu hành Bát-niết-bàn (有行般涅槃, Sasaṅkhāraparinibbāyī). Tập-dị-môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536.14. 0426a23) giải thích: Đó là hạng người ở ngay trong đời hiện tại đã đoạn trừ, đã biết rõ năm hạ phần kiết sử nhưng chưa đoạn trừ và chưa biết rõ năm thượng phần kiết sử, dị thục nghiệp được sanh khởi, tạo tác và tăng trưởng rồi sanh phi dị thục nghiệp. Khi thân hoại mạng chung, vị đó nương thân trung hữu để sanh lên và an trú ở cõi trời Sắc giới. Khi sanh vào cõi đó một thời gian, do nương vào sự tu tập, nương vào sự nỗ lực, nhờ vào nỗ lực mà tác ý tu tập không ngưng nghỉ về các trợ đạo, để rồi sau đó đoạn trừ các kiết sử còn lại và chứng nhập Niết-bàn, đó gọi là hạng người Hữu hành Bát-niết-bàn. 74 Thượng lưu Bát-niết-bàn (上流般涅槃) còn gọi Thượng lưu A-ca-ni-tra Niết-bàn (上流阿迦尼吒涅 槃, Uddhaṃsoto Akaniṭṭhagāmī) hay Thượng lưu Sắc Cứu Cánh Niết-bàn (上流色究竟涅槃). Tập-dị môn-túc luận 集異門足論 (T.26. 1536.14. 0426b18) giải thích: Đó là hạng người ở ngay trong đời hiện tại đã đoạn trừ, đã biết rõ năm hạ phần kiết sử nhưng chưa đoạn trừ và chưa biết rõ năm thượng phần kiết sử... rồi lần lượt tái sanh từ cõi Sơ thiền, cho đến cao nhất của tứ thiền là Sắc Cứu Cánh thiên (色 究竟天) rồi thể nhập Niết-bàn ở đó.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.