Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, có số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Bây giờ còn quá sớm và chưa đến giờ khất thực, vậy chúng ta hãy ghé qua tinh xá của ngoại đạo.”
Rồi số đông Tỳ-kheo liền vào tinh xá ngoại đạo, sau khi ân cần thăm hỏi nhau xong liền ngồi sang một bên. Khi ấy, các ngoại đạo hỏi Tỳ-kheo:
– Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp cho các đệ tử, dạy bảo đoạn trừ năm thứ che lấp tâm,4 khiến tuệ lực yếu kém, là đối tượng gây nên chướng ngại, khiến không thể hướng đến5 Niết-bàn; lại còn dạy đệ tử an trú bốn niệm xứ, tu tập bảy giác phần. Chúng tôi cũng dạy cho các đệ tử đoạn trừ năm thứ che lấp tâm, khiến tuệ lực yếu kém; khéo an trú bốn niệm xứ và tu tập bảy giác phần. Giữa chúng tôi và Sa-môn Cù-đàm có gì khác đâu? Đều có thể thuyết pháp như nhau!
Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe ngoại đạo nói như vậy thì không hài lòng, liền chỉ trích ngược lại rồi đứng dậy bỏ đi. Sau khi các Tỳ-kheo vào thành khất thực xong rồi trở về tinh xá, thu dọn y bát, rửa sạch chân xong, đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và đem những lời của ngoại đạo trình bày đầy đủ với Thế Tôn.
Lúc đó, Thế Tôn bảo số đông Tỳ-kheo:
– Khi ngoại đạo kia nói những lời như vậy thì các thầy nên hỏi ngược lại: “Này ngoại đạo! Năm thứ che lấp ấy, phân ra thì có mười; bảy giác chi ấy, phân ra thì có mười bốn. Mười thứ che lấp và mười bốn giác chi là gồm những gì?” Các thầy hỏi như vậy thì ngoại đạo kia sẽ giật mình kinh ngạc, khi ấy, cái cách mà ngoại đạo phản ứng sẽ là nổi sân, chê bai, kiêu mạn, hiềm hận, không cam chịu, hoặc im lặng cúi đầu, không lời biện luận, trầm ngâm suy tư. Vì sao như vậy? Ta chưa thấy ai trong chúng trời, người, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn hay Bà-la-môn nghe Ta nói như thế mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ Như Lai và chúng đệ tử đang nghe ở đây.
Này các Tỳ-kheo! Mười trong năm thứ che lấp gồm những gì? Đó là có tham dục bên trong và có tham dục bên ngoài. Tham dục bên trong là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết- bàn; tham dục bên ngoài cũng là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.
Có sân hận và có tướng sân hận. Sân hận và tướng sân hận kia là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.
Có thùy và có miên. Thùy kia và miên kia đều là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.
Có trạo và có hối. Trạo kia và hối kia đều là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.
Có sự nghi ngờ pháp thiện và có sự nghi ngờ pháp bất thiện. Nghi ngờ pháp thiện và nghi ngờ pháp bất thiện đều là chướng ngại, không đưa đến trí tuệ, không đưa đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn. Đó gọi là năm triền cái phân ra thành mười.
Thế nào là bảy giác phần mà phân ra thành mười bốn?
Có chánh niệm đối với pháp bên trong và có chánh niệm đối với pháp bên ngoài. Chánh niệm đối với pháp bên trong tức là niệm giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn; chánh niệm đối với pháp bên ngoài cũng là niệm giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có phân biệt pháp thiện và có phân biệt pháp bất thiện. Phân biệt pháp thiện tức là trạch pháp giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Phân biệt pháp bất thiện cũng là trạch pháp giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có tinh tấn đoạn dứt pháp ác và có tinh tấn tăng trưởng pháp thiện. Tinh tấn đoạn dứt pháp ác kia tức là tinh tấn giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Tinh tấn tăng trưởng pháp thiện kia cũng là tinh tấn giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có hỷ và có trú xứ của hỷ.6 Hỷ kia tức là hỷ giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Trú xứ của hỷ kia cũng là hỷ giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có thân khinh an và có tâm khinh an. Thân khinh an kia tức là khinh an giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Tâm khinh an kia cũng là khinh an giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có định và có tướng của định.7 Định kia tức là định giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Tướng định kia cũng là định giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn.
Có xả pháp thiện và có xả pháp bất thiện. Xả pháp thiện kia tức là xả giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Xả pháp bất thiện kia cũng là xả giác phần, là trí tuệ, là giác ngộ, có thể hướng đến Niết-bàn. Đó gọi là bảy giác phần phân ra thành mười bốn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.713. 0191a17). Tham chiếu: S. 46.52 - V. 108.
4 Nguyên tác: Ngũ cái (五蓋, pañca āvaraṇāni).
5 Nguyên tác: Chuyển thú (轉趣, gacchati).
6 Tham chiếu: S. 46.58 - V. 131: “Cái gì là hỷ có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là hỷ giác chi. Cái gì là hỷ không tầm, không tứ, cái ấy là hỷ giác chi. Gọi là hỷ giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai” (HT. Thích Minh Châu dịch).
7 Tham chiếu: S. 46.58 - V. 131: “Cái gì là định có tầm, có tứ, này các Tỷ-kheo, cái ấy là định giác chi. Cái gì là định không tầm, không tứ, cái ấy là định giác chi. Gọi là định giác chi là có ý nghĩa này. Chính do pháp môn này nên thành hai” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.