Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 27

727.  NGHE PHÁP48

 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại thôn Lực Sĩ49 rồi du hóa trong nhân gian, đến vùng đất giữa thành Câu-di-na-kiệt50 và sông Hy-liên,51 gần bên thôn Lực Sĩ.
Bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
– Thầy hãy đem y Uất-đa-la-tăng của Như Lai gấp làm bốn lớp rồi trải ra. Hôm nay Ta đau lưng nên muốn nằm nghỉ một lát.
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền gấp y Uất-đa-la-tăng làm bốn lớp và trải ra rồi bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Con đã gấp y Uất-đa-la-tăng làm bốn lớp và trải ra xong. Xin Thế Tôn biết cho!
Bấy giờ, đức Thế Tôn gấp y Tăng-già-lê thành nhiều lớp để gối đầu rồi nằm nghiêng bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc niệm vào tưởng ánh sáng,52 chánh niệm tỉnh giác,53 tâm nghĩ đến lúc thức dậy54 và bảo Tôn giả A-nan:
– Thầy hãy nói về bảy giác phần cho Như Lai nghe!
Lúc đó, Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Đó là niệm giác phần, pháp mà Thế Tôn đã nói sau khi tự mình giác ngộ thành Đẳng Chánh Giác, rồi Ngài còn dạy nương vào viễn ly, nương vào ly dục, nương vào diệt tận, hướng đến xả ly.55 Lại nữa, trạch pháp giác phần, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả giác phần là pháp mà Thế Tôn đã nói sau khi tự mình giác ngộ thành Đẳng Chánh Giác, rồi Ngài còn dạy nương vào viễn ly, nương vào ly dục, nương vào diệt tận, hướng đến xả ly.
Phật bảo A-nan:
– Thầy hãy nói về tinh tấn56 cho Như Lai nghe!
A-nan thưa:
– Kính bạch Thế Tôn! Con sẽ nói về tinh tấn. Kính bạch Thiện Thệ! Con sẽ nói đến tinh tấn.
Phật bảo A-nan:
– Chỉ có tu tập tinh tấn và tu tập thuần thục mới chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.57
Nói xong, Thế Tôn ngồi ngay thẳng nhiếp niệm. Lúc này, có một vị Tỳ-kheo nói kệ:

Ngài thích nghe pháp mầu,
Chịu đau, bảo người nói,
Tỳ-kheo liền nói pháp,
Tụng lại bảy giác phần.
Lành thay! Thầy A-nan,
Khéo diễn bày rõ ràng,
Pháp thanh tịnh thù thắng,
Vi diệu, lìa phiền não.
Niệm, trạch pháp, tinh tấn,
Hỷ, khinh an, định, xả,
Đây là bảy giác phần,
Pháp vi diệu khéo thuyết.
Nghe thuyết bảy giác phần,
Đạt được vị giác ngộ,
Nên dù thân mang bệnh,
Vẫn ngay ngắn ngồi nghe.
Xét nghĩ Vua Chánh Pháp,58
Thường giảng nói cho người,
Lại còn thích nghe pháp,
Huống gì người chưa nghe.
Bậc có đại trí tuệ,
Đấng Thập Lực đáng kính,
Chính Ngài cũng gấp rút,
Muốn được nghe Chánh pháp.
Người hiểu biết thông đạt,
Khế kinh, A-tỳ-đàm,
Thông hiểu cả Giới luật,
Còn muốn nghe, huống là.
Lắng nghe pháp như thật,
Chuyên tâm tĩnh giác nghe,
Giáo pháp Phật đã dạy,
Được lìa dục, an vui.
Thân hỷ lạc, khinh an,
Tâm cũng được tĩnh tại,
An vui trong thiền định,
Chánh quán59 trong việc làm.
Nhàm chán ba đường ác,
Lìa dục, tâm giải thoát,
Nhàm chán cõi các hữu,
Không gieo nhân trời, người.
Vô dư, như đèn tắt,
Bát-niết-bàn rốt ráo,
Nghe pháp được phước lợi,
Lời Phật dạy tối thắng,
Thế nên thường tư duy,
Nghe lời Đại sư dạy.

Vị Tỳ-kheo ấy nói kệ xong, liền đứng dậy lui ra.

***

48Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.727. 0195b29). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.39.6. 0731a05); S. 46.16 - V. 81.
49Nguyên tác: Lực Sĩ tụ lạc (力士聚落, Malla gāma), làng của những người chuyên đấu vật, cũng gọi là “Lực Sĩ” (末羅, Malla).
50Câu-di-na-kiệt (拘夷那竭, Kusinārā).
51Hy-liên hà (希連河, Hiraññavatī).
52Nguyên tác: Hệ niệm minh tưởng (繫念明想): Tưởng ánh sáng, cũng gọi là “quang minh tưởng” (光明想, ālokasaññaṃ).
53Nguyên tác: Chánh niệm chánh trí (正念, 正智, sato sampajāno): Chánh niệm tỉnh giác.
54Nguyên tác: Tác khởi giác tưởng (作起覺想). Cầu pháp kinh 求法經 (T.01. 0026.88. 0570b27): Luôn khởi tưởng muốn ngồi dậy (常念欲起). D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh phúng tụng): Uṭṭhānasaññaṃ manasi karitvā (với tâm nghĩ đến lúc ngồi dậy), HT. Thích Minh Châu dịch.
55Nguyên tác: Hướng ư xả (向於捨): Hướng đến xả ly. Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0432c19): Hướng đến xuất yếu (趣至出要). S. 45.2 - V. 2: Vossaggapariṇāmi (hướng đến từ bỏ), HT. Thích Minh Châu dịch.
56 Nguyên tác: Tinh tấn (精進). Ngữ cảnh kinh văn đang nói về “thất giác chi”, thế nên tinh tấn ở đây được hiểu là “tinh tấn giác phần.”
58Nguyên tác: A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提).
59Nguyên tác: Chánh Pháp Vương (正法王), chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni.
Nguyên tác: Chánh quán (正觀), quán sát chân chánh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.