Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 26

703.  TRÍ VÔ ÚY CỦA NHƯ LAI106

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu như có pháp nào mà trong mỗi pháp đó được tâm rõ biết rồi tác chứng thì hết thảy đều được sanh ra từ Trí vô úy của Như Lai. Nếu Tỳ-kheo nào đến làm đệ tử của Như Lai với tâm không dối trá, không quanh co, ngay thẳng chánh trực thì Như Lai sẽ vì vị ấy mà nói pháp, giáo giới, chỉ dạy. Nếu buổi sáng Như Lai nói pháp, giáo giới, chỉ dạy cho vị ấy thì đến buổi trưa vị ấy sẽ đạt đến chỗ thăng tiến. Nếu chiều tối Như Lai nói pháp, giáo giới, chỉ dạy cho vị ấy thì đến sáng hôm sau vị ấy sẽ đạt đến chỗ thăng tiến. Khi Như Lai chỉ dạy như vậy rồi, vị ấy sanh tâm chánh trực, thật thì biết là thật, không thật thì biết là không thật, trên thì biết là trên, không phải trên thì biết là không phải trên. Những gì nên biết, nên thấy, nên thành tựu, nên giác tri, vị ấy thảy đều biết rõ. Những điều này là chân thật.

Lại nói đến năm sức mạnh của bậc Hữu học và mười năng lực của Như Lai. Những gì là năm sức mạnh của bậc Hữu học? Đó là sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của tinh tấn, sức mạnh của niệm, sức mạnh của định và sức mạnh của tuệ. Mười năng lực của Như Lai là những năng lực nào? Đó là Như Lai biết đúng như thật về mọi trường hợp đúng đạo lý và không đúng đạo lý... (như kinh trên đã nói rõ mười lực).107

Nếu có người đến hỏi Ta về trí lực biết mọi trường hợp đúng đạo lý và không đúng đạo lý của Như Lai thì Ta sẽ y cứ theo chỗ thấy biết, giác ngộ, thành tựu Đẳng chánh giác mà giảng nói cho họ về trí biết mọi trường hợp đúng đạo lý và không đúng đạo lý của Như Lai... (cho đến) có người hỏi về trí lực sạch hết phiền não của Như Lai thì Ta cũng nói như vậy.

Này các Tỳ-kheo! Đối với trí biết mọi trường hợp đúng đạo lý và không đúng đạo lý, Ta nói đó là định chứ chẳng phải không phải định... (cho đến)108 đối với trí lực sạch hết phiền não, Ta nói đó là định chứ chẳng phải không phải định. Ở đây, định là chánh đạo, còn không định là tà đạo.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

106 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.703. 0189a20).

107 Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.684. 0186b26).

108 Bản Hán tỉnh lược, xem nội dung đầy đủ trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.687. 0187c13).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.