Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 26
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
(Giống như kinh trên đã nói, chỉ khác biệt ở đoạn sau):
– Sức mạnh của vua chúa là tự do. Bởi vì vua chúa thể hiện sức mạnh uy quyền một cách tự tại.
Sức mạnh của đại thần là quyết đoán sự việc. Bởi vì đại thần thể hiện sức mạnh uy quyền nơi việc quyết đoán sự việc.
Sức mạnh của người thợ là chế tạo máy móc. Bởi vì người thợ thể hiện sức mạnh nơi tay nghề chế tạo máy móc tinh xảo của mình.
Sức mạnh của trộm cướp là đao kiếm. Bởi vì những tên trộm cướp thể hiện sức mạnh bằng đao kiếm.99
Sức mạnh của phụ nữ là phẫn hận, oán kết. Bởi vì phương cách thể hiện sức mạnh của phụ nữ là phẫn hận, oán kết.
Sức mạnh của trẻ con là khóc lóc. Bởi vì phương cách thể hiện sức mạnh của trẻ con là khóc lóc.
Sức mạnh của người ngu là chê bai. Bởi vì phương cách của người ngu khi tiếp xúc sự việc là chê bai, hủy hoại.
Sức mạnh của người trí là xét rõ sự thật. Bởi vì người trí luôn thể hiện ở việc xét rõ sự thật.
Sức mạnh của bậc xuất gia là nhẫn nhục. Bởi vì bậc xuất gia luôn thể hiện sức mạnh nhẫn nhục.
Sức mạnh của bậc nghe nhiều là tư duy. Bởi vì bậc nghe nhiều luôn thể hiện sự tư duy, giản trạch.100
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời đức Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
98 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.700. 0188c28).
99 Để bản Đại Chánh kể đến sức mạnh thứ 4 thì nhảy đến sức mạnh thứ 10. Bản Việt dịch tham chiếu các bản Tống, Nguyên, Minh bổ sung đầy đủ 10 sức mạnh.
100 Nguyên tác: Kế số (計數). Xem chú thích 87, kinh số 693, quyển 26, tr. 786; Tạp. 雜 (T.02. 0099.693. 0188b08).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.