Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 26

693.  NÓI RỘNG VỀ TÁM SỨC MẠNH86

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

(Giống như kinh trên đã nói, chỉ khác là thêm vào đoạn sau):

– Sức mạnh của vua chúa là tự do. Bởi vì vua chúa thể hiện sức mạnh uy quyền một cách tự tại.

Sức mạnh của đại thần là giải quyết sự việc. Bởi vì đại thần thể hiện sức mạnh uy quyền nơi việc giải quyết sự việc.

Sức mạnh của phụ nữ là phẫn hận, oán kết. Bởi vì phương cách thể hiện sức mạnh của phụ nữ là phẫn hận, oán kết.

Sức mạnh của trẻ con là khóc lóc. Bởi vì phương cách thể hiện sức mạnh của trẻ con là sự khóc lóc.

Sức mạnh của người ngu là chê bai. Bởi vì phương cách của người ngu khi tiếp xúc sự việc là chê bai, hủy hoại.

Sức mạnh của người trí là xét rõ sự thật. Bởi vì người trí luôn thể hiện ở việc xét rõ sự thật.

Sức mạnh của bậc xuất gia là nhẫn nhục. Bởi vì bậc xuất gia luôn thể hiện nhẫn nhục.

Sức mạnh của bậc nghe nhiều là tư duy. Bởi vì bậc nghe nhiều thường thể hiện sự tư duy, giản trạch.87

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

86 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.693. 0188b08). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.692. 0188b02); Tăng. 增 (T.02. 0125.38.1. 0717b17); A. 8.27 - IV. 223.

87 Nguyên tác: Tư duy, kế số (思惟計數). Kế số (計數) có lẽ được dịch từ paṭisaṅkhā. Ở đây, paṭisaṅkhā còn có nghĩa là “giản trạch” (簡擇).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.