Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 26
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
(Giống như kinh trên đã nói, chỉ khác biệt ở đoạn sau):
– Thế nào là sức mạnh niềm tin của bậc Hữu học? Nghĩa là khéo thiết lập niềm tin đối với đức Như Lai với gốc rễ vững chắc mà ngay cả chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến chư vị đồng pháp khác cũng không thể phá hoại được.
Thế nào là sức mạnh tinh tấn của bậc Hữu học? Nghĩa là khéo thành tựu bốn chánh đoạn... (chi tiết như kinh trên đã nói).
Thế nào là sức mạnh của sự biết xấu hổ với người của bậc Hữu học? Nghĩa là có tâm xấu hổ, hổ thẹn đối với những pháp ác, bất thiện và các phiền não đã khởi, sẽ chịu quả khổ bức bách ở trong các cõi và chịu sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trong đời tương lai. Đó gọi là sức mạnh của sự biết xấu hổ với người của bậc Hữu học.
Thế nào là sức mạnh của sự biết hổ thẹn với mình của bậc Hữu học? Nghĩa là biết hổ thẹn đối với những điều đáng hổ thẹn, hổ thẹn đối với những pháp ác, bất thiện và các phiền não đã khởi, vì sẽ chịu quả khổ bức bách ở trong các cõi và chịu sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trong đời tương lai. Đó gọi là sức mạnh của sự biết hổ thẹn với mình của bậc Hữu học.
Thế nào là sức mạnh trí tuệ của bậc Hữu học? Nghĩa là Thánh đệ tử trụ nơi trí tuệ, thành tựu trí tuệ, thấu rõ sự sanh diệt ở thế gian, thành tựu sự yểm ly và xuất ly của bậc Hiền thánh, không còn do dự58 và diệt tận khổ hoàn toàn.59 Đây gọi là sức mạnh trí tuệ của bậc Hữu học.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
57 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.679. 0186a02). Tham chiếu: A. 5.2 - III. 2.
58 Nguyên tác: Quyết định (決定). Có nhiều nghĩa: “Xác định” (確定), “không do dự” (不猶豫) và “không thoái chuyển” (不退轉).
59 Nguyên tác: Chánh tận khổ (正盡苦). D. 10, Subha Sutta (Kinh Tu-bà); Tạp. 雜 (T.02. 0099.108. 0034a14); Tăng. 增 (T.02. 0125.46.8. 0778c20) gọi là “bình đẳng tận khổ” (平等盡苦). Chánh (正) hoặc bình đẳng (平等) được dịch từ sammā, nghĩa thứ nhất là đúng, chính xác, nghĩa thứ hai là hoàn toàn. Xem chú thích 68, kinh số 684, quyển 16, tr. 777.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.