Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 26

661.  HAI LOẠI SỨC MẠNH (1)34

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai loại sức mạnh. Là hai loại sức mạnh nào? Sức mạnh của tư duy35 và sức mạnh của tu tập. Thế nào là sức mạnh của tư duy? Vị Thánh đệ tử ngồi bên gốc cây trong rừng vắng, tư duy như vầy: “Nếu thân làm việc ác thì đời này, đời sau phải chịu quả báo khổ. Nếu thân ta làm việc ác thì không những ta tự hối tiếc mà người khác cũng chê trách ta, Đại sư cũng sẽ chê trách ta, các Đại đức Phạm hạnh cũng chê trách ta. Ta sẽ bị khiển trách đúng pháp, tiếng xấu sẽ đồn khắp, sau khi qua đời sẽ bị sanh vào đường ác, đọa trong địa ngục.”

Vị ấy tư duy về quả báo đời này và đời sau như vậy nên từ bỏ thân làm việc ác, tu tập thân làm việc thiện.

(Như trường hợp thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác cũng nói như vậy). Đó gọi là sức mạnh của tư duy.

Thế nào là sức mạnh của tu tập? Tỳ-kheo học theo sức mạnh của tư duy. Vị Thánh đệ tử đã thành tựu được sức mạnh của tư duy rồi thì theo đó mà được sức mạnh của tu tập. Khi sức mạnh của tu tập đã được rồi thì sức mạnh của tu tập sẽ đầy đủ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.661. 0184a29). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0101.16. 0497a13); A. 2.11 - I. 52.

35 Nguyên tác: Số (數), tương đương Pāli là paṭisaṅkhāna, vừa có nghĩa là số đếm (計數) vừa có nghĩa là tư duy (思惟). Trong trường hợp này mang nghĩa thứ hai.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.