Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 26

653.  THỨ TỰ CHỨNG ĐẮC16

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

(Như kinh trên đã nói, chỉ có khác biệt ở đoạn sau):

– Đối với năm căn này, nếu Tỳ-kheo nào làm cho tăng thêm sự sắc bén và viên mãn sẽ chứng quả A-la-hán giải thoát cả hai phần,17 nếu yếu hơn hoặc kém hơn sẽ đạt Thân chứng,18 hoặc sẽ đạt Kiến đáo,19 hoặc sẽ đạt Tín giải thoát,20 hoặc sẽ đạt Nhất chủng,21 hoặc sẽ đạt Tư-đà-hàm, hoặc sẽ đạt Gia gia,22 hoặc sẽ đạt Thất hữu,23 hoặc sẽ đạt Pháp hành,24 hoặc đạt Tín hành.25

Đó gọi là Tỳ-kheo vì nhân duyên có căn Ba-la-mật nên biết quả Ba-la-mật, vì nhân duyên có quả Ba-la-mật nên biết người Ba-la-mật. Như vậy, người viên mãn thì việc làm cũng viên mãn; người yếu kém thì việc làm cũng yếu kém. Các căn này không phải rỗng không, không có quả báo. Nếu người nào không có các căn này, Ta nói kẻ đó thuộc vào hàng phàm phu.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.653. 0183a04) Tham chiếu: S. 48.13 - V. 200.

17 Câu phần giải thoát (俱分解脫, Ubhatobhāgavimuttā): Giải thoát cả hai phần. A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.10. 0436a06-a07) giải thích: Bậc thành tựu và an trú tám giải thoát, sau đó dùng trí tuệ đoạn tận mọi phiền não, được gọi là bậc Giải thoát cả hai phần (若補特伽羅, 於八解脫身已證具足住, 而復以慧永盡諸漏, 是名俱解脫分補特伽羅). Theo M. 70, Kīṭāgiri Sutta (Kinh Kīṭāgiri) giải thích: “Thế nào là bậc Câu phần giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân đã chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người Câu phần giải thoát” (HT. Thích Minh Châu dịch).

18 Thân chứng (身證, Kāyasakkhi) chỉ cho bậc Thánh đắc quả A-na-hàm. A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.24. 0126a15) ghi: Khế kinh có nói địa vị Bất hoàn còn gọi là Thân chứng (經說不還, 有名身證).

19 Kiến đáo (見到, Diṭṭhippatta) cũng gọi là “Kiến chí” (見至), là bậc Dự lưu, thấy biết như thật đối với giáo pháp.

20 Tín giải thoát (信解脫, Saddhāvimutto): Nhờ tín tâm cao tột với đức Phật nên được giải thoát. Theo A. 3.21 - I. 118: Yvāyaṃ puggalo saddhāvimutto svāssa sakadāgāmī vā anāgāmī vā (Hạng người Tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai), HT. Thích Minh Châu dịch. Vị Tỳ-kheo thành tựu Tín giải thoát được Phật khen ngợi là ngài Bà-ca-lê (婆迦梨). Tham chiếu: S. 55.24 - V. 375: “Có người không thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, chỉ có lòng ái mộ ở Như Lai. Người này, này Mahānama, không có đi đến địa ngục, không có đi đến loài bàng sanh, không có đi đến cõi ngạ quỷ, không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ” (HT. Thích Minh Châu dịch).

21 Nhất chủng (一種, Ekabījin) là bậc Dự lưu phải trải qua một lần tái sanh. Tham chiếu: A. 3.86- I. 232: “Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sinh hiện hữu làm người 1 lần, rồi đoạn tận khổ đau” (HT. Thích Minh Châu dịch). SA. 48.24 - III. 238 giải thích: Ettha ca ekabījītiādīsu yo sotāpanno hutvā ekameva attabhāvaṃ janetvā arahattaṃ pāpuṇāti, ayaṃ ekabījī nāma. (Ở đây, căn nguyên của từ Nhất chủng nhằm chỉ cho những vị chứng quả Dự lưu chỉ tái sanh một lần trước khi chứng Niết-bàn, nên có tên là Nhất chủng).

22 Gia gia (家家, Kulaṅkula) là bậc Dự lưu, được sanh vào nhà thuần thiện, từ nhà này sang nhà khác trước khi chứng đắc A-la-hán. Tham chiếu: A. 3.86 - I. 232: “Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc ‘Gia gia’, rong ruổi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau” (HT. Thích Minh Châu dịch).

23 Thất hữu (七有, Sattakkhattuparama) tức Tu-đà-hoàn, đã đoạn thân kiến, giới cấm thủ và nghi, tối đa chỉ còn 7 lần tái sanh cõi trời, người.

24 Pháp hành (法行, Dhammānusārin). Xem chú thích 16, kinh số 61, quyển 3, tr. 70; Tạp. 雜 (T.02. 0099.61. 0015c14).

25 Tín hành (信行, Addhānusārin). Xem chú thích 12, kinh số 61, quyển 3, tr. 69; Tạp. 雜 (T.02. 0099.61. 0015c14).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.