Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 26

642.  BA CĂN CỦA BẬC THÁNH1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba căn.2 Đó là căn chưa biết cần phải biết, căn đã biết và căn đã biết trọn vẹn.

Rồi Thế Tôn nói kệ rằng:

Bậc Hữu học giác tri,               

Tùy thuận tiến thẳng đường,

Tinh tấn và nỗ lực,                                               

Khéo hộ trì tâm mình.

Tự biết không tái sanh,            

Đã rõ đạo vô ngại,

Nhờ biết giải thoát rồi,                                               

Nên thấy biết trọn vẹn.

Bất động tâm giải thoát,3                                     

Tất cả hữu đều dứt,

Các căn thảy tròn đầy,                                               

Vui vì căn đã tịnh,

Giữ thân sau cùng này,            

Hàng phục các ma oán.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

1 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.642. 0182a14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.824. 0211c01); S. 48.23 - III. 204; A. 3.85 - I. 231.

2 Tam căn (三根), đây chỉ cho 3 căn vô lậu. Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.44. 0381b03), ba căn vô lậu gồm: Vị tri dục tri căn, tri căn và tri dĩ căn (未知欲知根,知根,知已根). Theo kinh trên, đó là “Vị tri đương tri căn, tri căn, vô tri căn” (未知當知根,知根,無知根). Ba căn này không bị nhiễm ô, không phát sanh phiền não, có công năng sanh ra Thánh pháp vô lậu. Vị tri dục tri căn (未知欲知根, Anaññātaññassāmītindriyaṃ) thuộc giai vị Kiến đạo, tức đã liễu tri bốn đế. “Tri căn” (知根, Aññindriyaṃ) thuộc giai vị tu đạo, mặc dù đã thấy rõ bốn đế, nhưng cần phải tu tập để đoạn trừ những phiền não dư tàn. Tri dĩ căn (知已根, Aññātāvindriyaṃ) còn gọi là cụ tri căn (具知根), vô tri căn (無知根), thuộc giai vị Vô học.

3 Nguyên tác: Bất động ý giải thoát (不動意解脫), còn gọi là “Bất động tâm giải thoát” (不動心解脫). Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.88. 0796c26), được giải thoát hoàn toàn gọi là “Bất động tâm giải thoát” (解脫無上者謂不動心解脫).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.