Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 25

641.  NỬA QUẢ A-MA-LẶC29

Vua A-dục là vị vua có niềm kính tín sâu xa đối với giáo pháp của Như Lai.

Một hôm, vua hỏi các Tỳ-kheo:

- Trong giáo pháp của Như Lai, ai là người hành đại bố thí? Các Tỳ-kheo đáp:

- Trưởng giả Cấp Cô Độc là người hành đại bố thí. Vua lại hỏi:

- Ông ấy đã bố thí bao nhiêu của cải, châu báu? Các Tỳ-kheo đáp:

- Có đến một ngàn ức đồng tiền vàng.

Vua nghe vậy liền suy nghĩ như vầy: “Vị gia chủ kia còn có thể bỏ ra một ngàn ức đồng tiền vàng. Nay ta là vua thì sao lại không thể đem trăm ngàn ức đồng tiền vàng để bố thí? Ta nên đem một trăm ngàn ức đồng tiền vàng để bố thí cúng dường.”

Bấy giờ, vua cho khởi công xây dựng tám mươi bốn ngàn tháp Phật và trong mỗi tháp này lại cúng dường trăm ngàn đồng tiền vàng. Lại cứ năm năm tổ chức đại hội bố thí một lần, mời ba trăm ngàn vị Tỳ-kheo đến dự và cúng dường ba trăm ức đồng tiền vàng cho chư Tăng. Phần thứ nhất cúng dường cho bậc A-la-hán, phần thứ hai cúng dường cho hàng Hữu học và phần thứ ba cúng dường cho hàng phàm phu chân thật. Ngoại trừ kho lẫm riêng, còn lại các vật ở Diêm-phù-đề này bao gồm phu nhân, thể nữ, thái tử, đại thần, đều đem cúng dường cho Thánh Tăng, rồi dùng bốn trăm triệu đồng tiền vàng chuộc chúng trở lại. Cứ như vậy mà tính toán cho đến dùng hết chín mươi sáu ức ngàn đồng tiền vàng.

Cho đến một hôm, vua lâm bệnh nặng. Vua tự biết mạng sống sắp hết. Lúc ấy, có đại thần tên là La-đà-quật-đa,30 kiếp trước là đứa trẻ đồng bạn với vua, khi vua cúng dường nắm cát cho Phật. Bấy giờ, đại thần La-đà-quật-đa thấy vua đang lâm bệnh nặng sắp qua đời, liền cúi đầu dùng kệ hỏi vua:

Dung mạo luôn tươi đẹp,         

Muôn thể nữ vây quanh,

Giống như đóa sen thanh,                                               

Ong mật tụ tập lại,

Nay nhìn dung nhan vua,         

Không còn tươi sáng nữa.

Vua liền nói kệ đáp:

Nay trẫm không còn lo,            

Mất tiền tài, vương vị,

Thân này cùng quyến thuộc,                                     

Và các thứ châu báu.

Nay trẫm chỉ buồn đau,            

Vì không thấy Hiền thánh,

Để cúng dường tứ sự,                                               

Trẫm nghĩ đến điều này,

Nên sắc diện biến đổi,                                               

Tâm ý không yên ổn.

- Lại nữa, sở nguyện của trẫm là muốn dùng hết trăm ngàn ức đồng tiền vàng để làm công đức, nhưng nay tâm nguyện này vẫn chưa thành, phải đợi đến đời sau. Nếu tính số tiền vàng, châu báu trước sau đã đem ra cúng dường thì còn thiếu bốn ức nữa mới trọn vẹn.

Thế rồi, nhà vua liền chuẩn bị nhiều loại châu báu đưa đến cúng dường chùa Kê Tước.31

Bấy giờ, con trai của Pháp Ích tên là Tam-ba-đề32 được lập làm thái tử. Các đại thần thưa thái tử rằng:

- Chẳng còn bao lâu nữa Đại vương sẽ băng hà. Nay nếu cứ đem các thứ trân bảo này gởi cúng vào chùa thì của cải, vật báu trong kho sẽ hết sạch. Pháp tắc của các vua là lấy tài sản làm trọng. Vậy nay Thái tử nên xét lại việc này, không nên để Đại vương dùng hết.

Bấy giờ, thái tử ra lệnh cho người giữ kho không được xuất vật báu ra cho đại vương dùng nữa. Lúc này, nhà vua tự biết những vật mà mình yêu cầu sẽ không thể đáp ứng, nên đem đồ đựng thức ăn bằng vàng của mình để cúng dường chùa. Lúc này, thái tử liền ra lệnh không cung cấp đồ đựng bằng vàng mà cung cấp đồ đựng bằng bạc. Sau khi ăn xong, vua lại đem đồ đựng bằng bạc cúng dường chùa. Thái tử lại không cung cấp đồ đựng bằng bạc mà cung cấp đồ đựng bằng đồng. Vua cũng đem đồ đựng bằng đồng gởi cúng dường chùa. Thái tử lại không cung cấp đồ đựng bằng đồng mà cung cấp đồ đựng bằng gốm. Lúc này, trong tay nhà vua chỉ có nửa trái a-ma-lặc,33 vua buồn bã rơi lệ mà hỏi các đại thần:

- Hiện nay, ai là chủ vùng đất này?

Bấy giờ, các đại thần thưa đại vương:

- Vua là chủ vùng đất này! Nhà vua liền nói kệ:

Các ngươi hộ tâm ta,                

Vì sao lại nói dối?

Ta đang ở ngôi vua,                 

Sao không được tự tại?

Nửa trái a-ma-lặc,                    

Đang ở trong tay ta,

Nó là vật của ta,                       

Ta tự chủ có thế.

Than ôi! Trọng phú quý,          

Thứ đáng chán đáng bỏ,

Xưa cai trị Diêm-phù,                                               

Nay bỗng dưng nghèo khó.

Như sông Hằng chảy mãi,                                               

Qua rồi không quay lại,

Phú quý cũng như vậy,                                               

Mất rồi tìm được đâu.

Lại nữa, như Phật đã nói kệ:

Phàm thịnh ắt có suy,               

Vì suy là rốt sau,

Như Lai nói lời này,                

Chân thật không sai khác.

Lời ta dạy năm xưa,                                               

Thông suốt không ngăn ngại,

Nay có điều mong cầu, 

Lại không vâng lời ta.

Như gió bị núi ngăn,                

Nước bị bờ đê cản,

Giáo pháp của Như Lai,                                               

Từ đây mất vĩnh viễn.

Vô lượng người theo sau,                                               

Đánh trống, thổi loa ốc,

Biểu diễn các kỹ nhạc,                                               

Hưởng thú vui năm dục.

Thể nữ hàng trăm người,          

Ta thưởng lạc ngày đêm,

Nay thảy đều không còn,                                        

Như cây không hoa trái.

Tướng mạo dần khô kiệt,                                               

Khí lực cũng hao mòn,

Như hoa dần héo tàn,                                               

Nay ta cũng như vậy.

Bấy giờ, Vua A-dục nói với người hầu:

- Nếu còn nhớ ân nuôi dưỡng của ta thì ngươi hãy đem nửa trái a-ma-lặc này đến cúng dường chùa Kê Tước, thay ta đảnh lễ các Tỳ-kheo-tăng rồi chuyển lời ta rằng: “Vua A-dục gửi lời thăm hỏi chúng đại Thánh, trẫm là A-dục vương, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề này, mọi thứ ở cõi Diêm-phù-đề là trẫm sở hữu, nay bỗng dưng mất hết, không còn tiền tài, vật báu để cúng dường cho chúng

Tăng nữa, trẫm đã không còn tự do định đoạt với tất cả tài sản của mình. Nay chỉ còn nửa trái a-ma-lặc này là trẫm được tùy ý dùng. Đây là lần bố thí Ba-la- mật sau cùng, xin thương xót trẫm mà nhận sự cúng dường này, giúp trẫm được phước cúng dường chúng Tăng.” Rồi nói kệ rằng:

Nửa trái a-ma-lặc,                   

Vật sở hữu của ta,

Ta được quyền định đoạt,         

Nay cúng dường đại chúng.

Tâm hướng về bậc Thánh,                                               

Không ai khác giúp ta,

Xin thương xót cho ta,             

Nhận lấy a-ma-lặc.

Vì ta dùng quả này,                 

Nhờ đây phước vô lượng,

Đời đời được diệu lạc,                                               

Dùng không bao giờ hết.

Bấy giờ, vị sứ giả kia vâng lệnh vua, mang nửa trái a-ma-lặc đi vào chùa Kê Tước, đến trước Thượng tọa, đảnh lễ năm vóc sát đất, rồi quỳ gối chắp tay hướng về Thượng tọa mà nói kệ:

Thống lãnh Diêm-phù-đề,        

Một lọng, một tiếng trống,

Du hành không chướng ngại,                                       

Như mặt trời chiếu khắp.

Quả hành nghiệp đã đến,                                               

Vua sống chẳng còn lâu,

Oai đức cũng không còn,                                               

Như mặt trời bị khuất.

Vua hiệu là A-dục,                  

Đảnh lễ sát chân Tăng,

Xin được cúng vật này,                                               

Nửa quả a-ma-lặc.

Nguyện đời sau được phước,    

Xin thương xót Vua tôi,

Thánh chúng lòng từ mẫn,                                               

Nhận nửa quả cúng dường.

Bấy giờ, vị Thượng tọa kia nói với đại chúng:

– Nghe những lời này rồi thì ai mà không nhàm chán thế gian? Chúng ta nghe việc này, không thể không sanh nhàm chán, xa lìa. Như kinh Phật đã dạy: “Thấy sự suy yếu của người khác, phải biết sanh tâm nhàm chán, xa lìa.” Người trí nào khi nghe được việc này mà lại không nhàm chán thế gian?

Rồi sứ giả nói kệ rằng:

Vua bậc nhất cõi người,           

A-dục dòng Khổng Tước,34

Thống lãnh Diêm-phù-đề,                                               

Chủ quả a-ma-lặc.

Thái tử cùng các thần,              

Ngăn vua hành bố thí,

Vua cúng nửa quả kia,                                               

Chiết phục người tiếc của.

Khiến họ đành bỏ cuộc,                                               

Người ngu không biết thí,

Nhờ cúng quả, phước lớn,                                               

Nên nửa quả vẫn cúng.

Lúc ấy, vị Thượng tọa nghĩ như vầy: “Làm thế nào để nửa quả a-ma-lặc này chia đều cho tất cả chúng Tăng?” Nghĩ xong, Thượng tọa liền bảo xay nhỏ nửa quả a-ma-lặc này, rồi cho vào trong nồi canh, làm vậy thì tất cả chúng Tăng đều được thọ dụng.

Bấy giờ, vua lại hỏi vị đại thần bên cạnh rằng:

- Ai là vua cõi Diêm-phù-đề? Đại thần tâu:

- Chính là Đại vương!

Lúc ấy, nhà vua đang nằm liền bật ngồi dậy, quay nhìn xung quanh, chắp tay làm lễ cảm niệm ân đức chư Phật, tâm nghĩ, miệng nói: “Nay ta đem cõi Diêm- phù-đề này cúng dường cho Tam bảo, tùy ý sử dụng.” Rồi nhà vua nói kệ:

Cõi Diêm-phù-đề này,             

Có nhiều vật quý báu,

Cúng dường ruộng phước lành,                                       

Phước báo tự nhiên đến.

Công đức cúng dường này,                                        

Không cầu làm Đế-thích,

Phạm vương hay vua chúa,                                       

Các diệu lạc ở đời.

Những quả báo như vậy,          

Tôi đều không ưa nhận,

Nguyện nương công đức này,                                        

Được sớm thành Phật đạo.

Được người đời kính ngưỡng,                                  

Thành tựu Nhất thiết trí,

Làm bạn lành thế gian,                                               

Là Đạo sư bậc nhất.

Bấy giờ, nhà vua đem những lời này viết lên trên giấy rồi phong kín lại, dùng răng cắn vào làm dấu ấn. Sau khi hoàn tất những việc này, nhà vua băng hà.

Bấy giờ, thái tử cùng các quần thần, phi tần, thể nữ, dân chúng trong nước dâng nhiều phẩm vật để phụng cúng và tống táng, làm lễ trà-tỳ35 theo nghi thức của bậc quốc vương.

Lúc này, các đại thần muốn lập thái tử lên nối ngôi vua, nhưng trong triều có một đại thần tên là A-nậu-lâu-đà đã nói với các quần thần rằng:

- Không được lập Thái tử lên làm vua. Vì sao như vậy? Vì Đại vương A-dục lúc sinh thời, vốn có tâm nguyện đem mười vạn ức đồng tiền vàng để làm công đức, nhưng nay chưa đủ mười vạn, vẫn còn thiếu bốn ức. Vì lý do này nên nhà vua đã hiến cúng cõi Diêm-phù-đề này cho Tam bảo để tròn tâm nguyện. Nay đại địa này đã thuộc về Tam bảo thì làm sao mà lập Thái tử làm vua được?

Các đại thần nghe vậy, liền đem bốn ức đồng tiền vàng cúng vào chùa, sau đó liền lập con của Pháp Ích lên làm vua, tên là Tam-ba-đề. Kế đến là Thái tử Tỳ-lê-ha-ba-đê36 được kế ngôi vị. Nối tiếp vương vị của Vua Tỳ-lê-ha-ba-đê là Thái tử Tỳ-lê-ha-tây-na.37 Nối tiếp vương vị của Vua Tỳ-lê-ha-tây-na là Thái tử Phất-sa-tu-ma.38 Nối tiếp vương vị của Vua Phất-sa-tu-ma là Thái tử Phất-sa- mật-đa-la.39

Bấy giờ, Vua Phất-sa-mật-đa-la hỏi các vị đại thần rằng:

- Trẫm nên làm những việc gì để danh đức của trẫm còn mãi ở thế gian?

Lúc ấy, những vị hiền thần kính tin Tam bảo tâu với vua:

- Đại vương A-dục là vị vua đầu tiên có chủng tử pháp. Khi còn tại vị, vua cho xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp Như Lai và phát tâm cúng dường rất nhiều phẩm vật, danh đức này đã lưu truyền mãi đến hôm nay. Nếu nay Bệ hạ muốn cầu danh đức này nên xây dựng tám vạn bốn ngàn tháp Phật và cúng dường phẩm vật.

Nhà vua nói:

- Vì vua A-dục có oai đức lớn nên mới thực hiện được việc này. Trẫm thì không thể, hãy nghĩ đến việc khác đi!

Trong đó, có nịnh thần gian ác, không kính tin Tam bảo, tâu vua:

- Thế gian có hai điều lưu truyền mãi ở đời, không bao giờ mất, đó làm lành và làm ác. Đại vương A-dục đã làm các hạnh lành thì nay vua nên làm các việc ác như là phá hoại tám vạn bốn ngàn tháp.

Lúc này, vua nghe theo lời nịnh thần, lập tức truyền lệnh cho bốn bộ binh chủng đi đến các chùa chiền phá hoại các tháp thờ. Đầu tiên, vua vào chùa Kê Tước, trước cổng chùa có con sư tử bằng đá, bỗng nhiên nó rống lên. Vua nghe thấy, vô cùng kinh hãi, tự nghĩ không phải động vật sống mà sao rống lên được, nên vua liền trở về thành. Nhà vua vì muốn phá hoại chùa này, nên đã làm ba lần như vậy.

Bấy giờ, vua truyền lệnh các Tỳ-kheo đến và hỏi:

- Ta phá hoại tháp là thiện hay là phá hoại nơi chúng Tăng ở là thiện?

Các Tỳ-kheo đáp:

- Cả hai việc đó đều không nên làm. Nếu vua muốn phá hoại thì thà phá hoại nơi chúng Tăng ở, chớ nên phá hoại tháp Phật.

Lúc ấy, vua sát hại các Tỳ-kheo và phá hoại chùa tháp. Như vậy dần dần sang đến nước Bà-già-la, vua lại ban lệnh: “Nếu có người nào mang được đầu Sa-môn Thích tử đến sẽ được ban thưởng ngàn đồng tiền vàng.”

Bấy giờ, trong nước này có một vị A-la-hán biến hóa ra rất nhiều đầu Tỳ- kheo, rồi đưa cho dân chúng mang đến chỗ vua, khiến cho của cải, vật báu trong kho lẫm của vua cạn kiệt. Khi nhà vua biết được có vị A-la-hán đã làm việc này thì vô cùng tức giận, muốn giết vị A-la-hán.

Khi ấy, vị A-la-hán ấy liền nhập Diệt tận định,40 cho nên nhà vua tuy dùng đủ mọi cách để sát hại vị Thánh nhân này nhưng bất thành. Vì nhờ thần lực của Diệt tận định nên thân thể của ngài không bị tổn thương. Cứ như vậy, vua tiến dần đến cửa tháp Phật. Tháp này có một vị quỷ thần tên là Nha Xỉ41 đang ở trong đó để bảo vệ tháp Phật. Vị quỷ thần này nghĩ rằng mình là đệ tử của Phật, vì thọ trì giới cấm không sát hại chúng sanh nên không thể đích thân giết hại nhà vua được. Quỷ thần này lại nghĩ: “Có một vị thần tên là Trùng,42 thường làm các việc ác, rất mạnh mẽ và hung bạo, đã từng cầu hôn con gái ta, nhưng ta không chấp thuận. Nay vì bảo vệ Chánh pháp nên sẽ gả con gái cho hắn, để hắn bảo hộ pháp Phật.” Liền gọi vị thần kia đến và bảo:

– Nay ta gả con gái cho ngươi, tuy nhiên cùng lập giao ước là ngươi phải hàng phục vị vua này, không cho ông ta làm các việc ác, hoại diệt Chánh pháp. Lúc này, vị vua kia cũng có một đại quỷ thần tên là Ô-trà, đầy đủ oai đức nên thần Trùng không thể làm gì vua được. Lúc này, thần Nha Xỉ muốn hủy diệt thế lực tự nhiên của vua do nương vào vị thần Ô-trà, nên đã nghĩ cách giả kết giao với thần Ô-trà. Thế rồi thần Nha Xỉ kết bạn với vị thần Ô-trà. Sau khi kết bạn thân thiết rồi, thần Nha Xỉ dẫn vị thần Ô-trà ra giữa biển lớn ở phía Nam.

Bấy giờ, thần Trùng mới san phẳng núi lớn, đánh đuổi từ trên nhà vua cho đến bốn bộ binh, thảy đều bỏ mạng. Dân chúng đều reo hò: “Vui thay, vui thay!” và từ đó người đời cùng truyền nhau, gọi vị thần này là “Vui Thay.”

Sau khi nhà vua này qua đời, con cháu dòng Khổng Tước từ đây cũng vĩnh viễn biến mất, cho nên sự giàu sang, sung sướng ở thế gian không có gì đáng để tham cầu. Đại vương A-dục là người có trí, đã giác ngộ cuộc đời là vô thường, thân mạng khó bảo tồn, của cải năm nhà43 cũng như huyễn như hóa. Thấy rõ được đạo lý này rồi nên Vua A-dục đã nỗ lực tinh tấn tạo các công đức, thậm chí lúc sắp qua đời, tâm vẫn luôn nhớ đến Tam bảo, niệm niệm không gián đoạn, không có gì phải luyến tiếc, chỉ nguyện thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà thôi.44

***

Chú thích:

29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.641. 0180a06). Tham chiếu: A-dục vương kinh 阿育王經 (T.50. 2043.5. 0116c21). Xem lại chú thích ở Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0161b13).

30 La-đà-quật-đa (羅陀崛多, Rādhagupta).

31 Kê Tước tự (雞雀寺, Kukkutārāma).

32 Tam-ba-đề (三波提, Sampadī): Cháu nội của Vua A-dục.

33 A-ma-lặc (阿摩勒, āmalaka) hiện còn được trồng và sử dụng như một trái cây đặc sản ở Ấn Độ, gọi là trái amla. Ở Việt Nam gọi là me rừng, me mận, chùm ruột núi, có tên khoa học là Phyllanthus Emblica.

34 Khổng Tước (孔雀, S. Maurya; P. Mora).

35 Xà-duy (闍維, jhāpeti): Hoả táng.

36 Tỳ-lê-ha-ba-đê (毘梨訶波低, S. Bṛhaspati).

37 Tỳ-lê-ha-tây-na (毘梨訶西那, S. Vṛṣhasena).

38 Phất-sa-tu-ma (沸沙須摩, S. Puṣyadharma).

39 Phất-sa-mật-đa-la (沸沙蜜多羅, S. Puṣyamitra).

40 Diệt tận chánh thọ (滅盡正受, Nirodha samāpatti).

41 Nha Xỉ (牙齒, S. Daṃṣṭrānivāsī yakṣa).

42 Trùng (蟲, S. Kṛmiśa).

43 Nguyên tác: Ngũ gia tài vật (五家財物). Theo A. 5.227 - III. 259, tài sản thuộc về 5 nhà, gồm nước, lửa, trộm cướp, con hư và của nhà vua.

44 Bản Hán, hết quyển 25.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.