Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 25
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
- Trong đời tương lai, sau khi Ta diệt độ một trăm năm, tại nước Ma-thâu- la2 này sẽ có con của một thương nhân tên là Quật-đa.3 Quật-đa có người con tên là Ưu-ba-quật-đa.4 Ưu-ba-quật-đa sẽ làm Phật sự, là vị thầy bậc nhất trong hàng giáo thọ. Này A-nan, thầy có thấy khu rừng xanh ở đằng kia không?
A-nan bạch Phật:
- Thưa vâng, con đã thấy, bạch Thế Tôn!
- A-nan! Nơi đó gọi là núi Ưu-lưu-man-trà.5 Sau khi Như Lai diệt độ một trăm năm, núi này sẽ có trú xứ a-lan-nhã tên là Na-tra-bạt-trí,6 trú xứ này thích hợp bậc nhất cho sự tịch tịnh, vắng lặng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn suy nghĩ: “Nếu Ta đem giáo pháp phó chúc cho loài người thì sợ rằng giáo pháp của Ta sẽ không tồn tại lâu dài; nếu phó chúc cho chúng trời thì cũng sợ rằng giáo pháp của Ta không tồn tại lâu dài và người ở thế gian sẽ không ai được nhận lãnh giáo pháp. Nay Ta nên đem Chánh pháp phó chúc cho cả trời và người. Khi chư thiên và loài người đều được thọ lãnh giáo pháp thì giáo pháp của Ta mới tồn tại một ngàn năm không biến đổi.” Bấy giờ, Thế Tôn khởi tâm thuận theo thế tục.7 Lúc này, Thiên Đế-thích và bốn Đại Thiên vương biết tâm niệm của Phật, bèn đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiên Đế-thích và bốn Đại Thiên vương:
- Như Lai không còn bao lâu sẽ ở nơi Vô dư Niết-bàn mà vào Bát-niết-bàn.8 Sau khi Ta vào Bát-niết-bàn thì các ông nên hộ trì Chánh pháp.
Thế Tôn nói với vị Thiên vương phương Đông:
- Ông nên hộ trì Chánh pháp ở phương Đông.
Rồi Thế Tôn lần lượt căn dặn Thiên vương phương Nam, phương Tây và phương Bắc:
- Ông nên hộ trì Chánh pháp ở phương Bắc. Một ngàn năm sau, khi giáo pháp của Ta bị diệt, ở thế gian sẽ xuất hiện những điều phi pháp và mười pháp thiện đều bị tan hoại. Trong cõi Diêm-phù-đề sẽ có cuồng phong nổi lên, mưa không đúng thời, dân chúng phần nhiều đói kém. Nếu có mưa thì gặp nạn mưa đá, sông rạch khô cạn, hoa quả mất mùa, sắc diện con người không được tươi sáng, muôn loài thảo mộc9 thảy đều tiêu diệt, đồ ăn thức uống không còn mùi vị. Vàng bạc, châu báu thảy đều ẩn mất. Dân chúng ăn uống các loại cỏ cây thô nhám.
Lúc ấy, sẽ xuất hiện Vua Thích-ca, Vua Da-bàn-na,10 Vua Bát-la-bà,11 Vua Đâu-sa-la,12 cùng với nhiều quyến thuộc. Khi ấy, Xá-lợi đỉnh đầu, Xá-lợi răng và bình bát của Phật đang được phụng thờ ở phương Đông.
Phương Tây có vua tên Bát-la-bà, cùng với trăm ngàn quyến thuộc, phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Phương Bắc có vua tên Da-bàn-na cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Phương Nam có vua tên là Thích-ca cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ- kheo. Phương Đông có vua tên Đâu-sa-la cùng trăm ngàn quyến thuộc phá hoại chùa tháp, giết hại Tỳ-kheo. Bốn phương đều rối loạn nên các Tỳ-kheo đều tập trung đến đất nước chính giữa.
Lúc ấy, Vua Ma-nhân-đà-la-tây-na ở nước Câu-diệm-di13 lại sanh ra vương tử có cánh tay giống như nhuốm máu, thân mình như giáp trụ, có sức dũng mãnh vô cùng. Cùng ngày vương tử này ra đời thì năm trăm đại thần cũng sanh ra năm trăm người con đều giống như vương tử, cánh tay như nhuốm máu, thân mình như giáp trụ.
Bấy giờ, nước Câu-diệm-di có một ngày mưa máu. Vua Câu-diệm-di thấy hiện tượng quái dị này thì vô cùng sợ hãi, liền cho mời thầy tướng để hỏi. Thầy tướng tâu rằng:
“Nay Bệ hạ sanh Vương tử, người này về sau sẽ làm vua cõi Diêm-phù-đề và sẽ giết hại nhiều người.”
Vương tử được bảy ngày tuổi thì được đặt tên là Nan Đương, rồi theo năm tháng dần dần trưởng thành.
Một hôm, bốn vị vua bạo ác ở bốn phương kéo đến sát hại nhân dân. Vua Ma-nhân-đà-la-tây-na hay được tin này thì rất sợ hãi.
Khi ấy, có vị thiên thần đến mách bảo:
“Đại vương nên lập Nan Đương làm vua, mới đủ khả năng hàng phục bốn vị vua bạo ác kia.”
Lúc ấy, Vua Ma-nhân-đà-la-tây-na vâng lời chỉ bảo của thiên thần, liền nhường ngôi cho con, rồi lấy hạt minh châu trong búi tóc đặt lên đầu con mình và tập hợp các đại thần, dùng nước thơm rưới lên đỉnh đầu vương tử. Kế đến, vua cho triệu tập năm trăm người con của năm trăm đại thần sanh cùng ngày với vương tử, thân mặc giáp trụ, đi theo tân vương ra trận chiến đấu với bốn vua bạo ác kia; giết sạch quân địch, giành được chiến thắng. Rồi Nan Đương lên làm vua cõi Diêm-phù-đề, cai trị nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với bốn Đại Thiên vương:
- Tại nước Ba-liên-phất14 sẽ có Bà-la-môn tên là A-kỳ-ni-đạt-đa,15 thông đạt kinh luận Tỳ-đà.16 Bà-la-môn này sẽ cưới vợ, sau đó sẽ có chúng sanh trung ấm đến làm con ông ấy. Lúc chúng sanh kia vào trong thai mẹ thì người mẹ này rất thích luận nghị với người khác. Bà-la-môn này liền hỏi các thầy tướng. Thầy tướng bảo rằng: “Vì đứa trẻ trong bào thai này thông đạt tất cả luận thuyết, nên khiến người mẹ có tâm ưa thích luận nghị với người khác như vậy.”
Thế rồi, khi đủ ngày tháng, đứa trẻ ấy ra khỏi thai mẹ, trở thành một đồng tử thông đạt tất cả các kinh luận. Lớn lên, đồng tử ấy thường dùng kinh luận để truyền dạy cho con cháu của năm trăm Bà-la-môn, ngoài ra còn đem các loại kinh luận khác truyền dạy cho mọi người, lại còn chỉ bày y thuật cho các thầy thuốc, do vậy mà có rất nhiều đệ tử. Vì có rất nhiều đệ tử nên được gọi tên là “Đệ Tử.” Sau đó, Đệ Tử xin cha mẹ xuất gia học đạo. Cho đến khi cha mẹ bằng lòng cho phép xuất gia, Đệ Tử liền xuất gia học đạo trong pháp của Ta, thông đạt Ba tạng, rất giỏi thuyết pháp, biện tài lưu loát, nói năng khéo léo, thu nhiếp rất nhiều quyến thuộc.
Lại nữa, Thế Tôn nói với bốn Đại Thiên vương:
– Trong nước Ba-liên-phất này sẽ có vị đại thương gia tên là Tu-đà-na,17 lại có chúng sanh trung ấm gá vào bào thai vợ của thương gia. Khi chúng sanh ấy vào trong thai mẹ đã khiến người mẹ trở nên chất trực, nhu hòa, không có tâm niệm tà vạy, các căn an tịnh.
Bấy giờ, thương chủ liền hỏi các thầy tướng. Thầy tướng bảo rằng: “Vì đứa bé trong thai vô cùng lương thiện, nên khiến người mẹ trở nên như vậy,... (cho đến) các căn an tịnh.”
Khi đủ ngày tháng, vợ đại thương chủ sanh ra đứa bé, đặt tên là Tu-la-tha. Theo năm tháng trưởng thành, cho đến một hôm đồng tử thưa với cha mẹ, cầu xin xuất gia học đạo. Được cha mẹ cho phép, Tu-la-tha liền xuất gia học đạo trong pháp của Ta, tinh tấn tu tập đạo nghiệp, đạt được lậu tận, chứng quả A-la- hán. Tuy nhiên, Tu-la-tha ít xem nghe,18 ít muốn biết đủ, cũng không bằng hữu,19 ở ẩn trong chốn núi rừng, ngọn núi Tôn giả ở có tên là Kiền-đà-ma-la.20
Bấy giờ, Thánh nhân Tu-la-tha thường đến nói pháp cho Vua Nan Đương. Phụ vương của vua cũng theo định luật vô thường. Hôm phụ vương băng hà, Nan Đương tận mắt chứng kiến, hai tay ôm lấy thi thể vua cha khóc lóc bi thảm, lòng đau như cắt. Lúc ấy, Tam tạng Tu-la-tha dẫn theo nhiều đệ tử đến chỗ vua, vì vua mà nói pháp. Sau khi vua nghe pháp xong, sầu não vơi đi, sanh lòng kính tín Phật pháp, nên phát thệ nguyện rằng: “Từ nay về sau, ta sẽ cúng dường cho các Tỳ-kheo với tâm không lo nghĩ, miễn sao các vị ấy vừa ý là vui.” Rồi vua hỏi Tỳ-kheo:
“Bốn vị vua bạo ác trước kia đã hủy hoại Phật pháp trong bao nhiêu năm?” Các Tỳ-kheo đáp:
“Suốt mười hai năm.”
Nhà vua tâm nghĩ, miệng nói như sư tử rống:
“Trong vòng mười hai năm ta sẽ cúng dường cho năm chúng, (cho đến) chuẩn bị mọi thứ để cúng dường.”
Vua liền thực hành bố thí. Ngày vua bố thí, trời mưa nước thơm khắp cõi Diêm-phù-đề, tất cả cây cối hoa màu đều được sanh trưởng tốt tươi. Dân chúng các nơi đều mang phẩm vật đến nước Câu-diệm-di để cúng dường chúng Tăng.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nhận được sự cúng dường nồng hậu. Thế nhưng, các Tỳ-kheo thọ dụng của tín thí mà không đọc tụng kinh sách, không chú nguyện cho người,21 nói chuyện phiếm suốt ngày, ngủ nghỉ sáng đêm, tham đắm lợi dưỡng, thích trau chuốt thân, thích y phục tốt, xa hạnh giải thoát, tịch tĩnh xuất gia và rời bỏ niềm vui giác ngộ.22 Hạng Tỳ-kheo như vậy xa rời công đức Sa- môn, là kẻ trộm cướp trong nhà Phật pháp, tiếp tay phá hoại ngọn cờ Chánh pháp trong thời mạt pháp, dựng cờ ác ma, dập tắt ngọn đuốc Chánh pháp, đốt lên ngọn lửa phiền não, đập vỡ trống Chánh pháp, hủy hoại bánh xe Chánh pháp, làm khô biển Chánh pháp, phá đổ núi Chánh pháp, phá hủy thành trì Chánh pháp, nhổ cây Chánh pháp, hủy diệt trí tuệ thiền định, cắt đứt chuỗi ngọc giới, làm nhiễm ô Chánh đạo.
Bấy giờ, các loài trời, rồng, quỷ thần, dạ-xoa, càn-thát-bà sanh lòng bất mãn đối với các Tỳ-kheo. Họ chê bai, trách mắng, chán ghét, xa lánh, không thân cận các Tỳ-kheo nữa, rồi đồng thanh thốt lên: “Than ôi! Tỳ-kheo tệ hại như vậy thì không nên ở trong pháp của Như Lai.”
Rồi họ nói kệ:
Không làm việc thiện lành,
Mãi làm ác, tà kiến,
Những kẻ ngu si này,
Đánh sập núi Chánh pháp.
Làm những điều trái đạo,
Rời bỏ hạnh đúng pháp,
Xa lìa pháp thắng diệu,
Diệt pháp Phật hiện tại.
Chẳng tin, chẳng điều phục,
Thích làm các điều ác,
Giả dối, lừa thế gian,
Đả phá pháp Mâu-ni.
Xuất gia lại tạo ác,
Làm muôn việc xấu xa,
Nương pháp gạt thế nhân,
Cống cao và sân hận.
Tham đắm cầu lợi danh,
Tạo rất nhiều điều ác,
Như pháp Phật đã dạy,
Dấu hiệu pháp chìm mất.
Hôm nay đều đã thấy,
Bị người trí khinh miệt,
Hiện tượng này đã hiện,
Biển Chánh pháp Mâu-ni,
Không lâu sẽ khô cạn,
Chánh pháp nay suy giảm,
Lại bị người xấu hại,
Phá hủy Chánh pháp Ta.
Bấy giờ, các loài trời, rồng, thần, v.v... đều sanh tâm buồn nản, không còn ủng hộ các Tỳ-kheo nữa và cùng tuyên bố: “Sau bảy ngày nữa pháp Phật sẽ bị diệt tận”, rồi gào khóc và bảo nhau: “Đến ngày thuyết giới, các Tỳ-kheo tranh đấu với nhau, Chánh pháp Như Lai vì vậy mà diệt.” Chư thiên khóc thương bi lụy như vậy.
Trong lúc đó, tại thành Câu-diệm-di có năm trăm ưu-bà-tắc nghe chư thiên nói những lời này, họ cùng nhau đến trú xứ của các Tỳ-kheo để ngăn cản các Tỳ-kheo đấu tranh và nói kệ rằng:
Than ôi! Kiếp khổ nạn,
Thương xót vạn sanh linh,
Nay pháp Phật sắp diệt,
Thích Sư Tử,23 Pháp vương,
Ác luân phá pháp luân,
Như vậy, chỉ kim cương,
Mới có thể không hoại,
Thời an ổn không còn.
Pháp nguy hại sanh khởi,
Người minh trí hết rồi,
Nay thấy tướng như vậy,
Nên biết không còn lâu.
Pháp Mâu-ni đoạn diệt,
Thế gian sẽ tăm tối,
Lời của đấng Tịch Diệt,
Mặt trời Mâu-ni lặn.
Người đời mất kho báu,
Thiện ác không khác nhau,
Thiện ác đã không phân,
Ai sẽ được Chánh giác?
Đèn pháp còn tại thế,
Hãy kịp thời hành thiện,
Vô lượng các ruộng phước,
Pháp này nay sẽ diệt,
Cho nên thảy chúng ta,
Biết tiền tài hư giả,
Kịp giữ thứ bền chắc.
Đến ngày rằm, vào thời thuyết giới thì Chánh pháp sẽ diệt. Cũng trong ngày này, năm trăm ưu-bà-tắc xây dựng năm trăm tháp Phật trong cùng một ngày. Thời điểm này, các ưu-bà-tắc mỗi người đều có việc riêng nên không tới lui trong chúng Tăng.
Bấy giờ, tại núi Kiền-đà-ma-la, A-la-hán Tu-la-tha quán sát cõi Diêm- phù-đề xem trong ngày hôm nay, nơi nào có chúng Tăng thuyết giới. Ngài thấy tại nước Câu-diệm-di có đệ tử của Như Lai thuyết giới Bố-tát. Ngài liền đến đó.
Lúc ấy, chúng Tăng có đến trăm ngàn người, trong số đó chỉ có một vị A-la- hán tên là Tu-la-tha. Lại có một vị Tam tạng tên là Đệ Tử. Đây là lần nhóm họp đại chúng cuối cùng của Như Lai. Bấy giờ, vị Duy-na24 phát thẻ hành-xá-la25 rồi bạch Thượng tọa Tam tạng rằng:
“Chúng Tăng đã họp, gồm trăm ngàn vị. Nay xin thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa!” Lúc ấy, vị Thượng tọa trả lời rằng:
“Đệ tử của Như Lai ở cõi Diêm-phù-đề đều tập hợp nơi đây, gồm vài trăm ngàn người. Như vậy ở trong chúng, ta là Thượng tọa, đã thông đạt Tam tạng mà vẫn chưa thực hành giới luật,26 huống gì là những người khác mà có sự thực hành hay sao! Nay sẽ thuyết giới luật cho ai?”
Rồi vị ấy nói kệ rằng:
Hôm nay là ngày rằm,
Đêm lặng, trăng sáng tỏ,
Như vậy các Tỳ-kheo,
Nay họp nghe thuyết giới.
Khắp cõi Diêm-phù-đề,
Chúng Tăng nhóm lần cuối,
Ta thượng thủ trong chúng,
Không thực hành giới luật.
Huống chi Tăng chúng khác,
Mà có thực hành sao?
Sao kham pháp Mâu-ni,
Thích-ca, Sư Tử vương?
Người nào có trì giới,
Mới có thể thuyết giới.
Bấy giờ, A-la-hán Tu-la-tha đứng trước Thượng tọa, chắp tay thưa Thượng tọa rằng:
“Thượng tọa, chỉ nói Ba-la-đề-mộc-xoa như đức Phật khi còn tại thế. Những pháp mà chúng Đại Tỳ-kheo như là Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đã học, nay tôi cũng đã học hết. Như Lai tuy đã diệt độ đến nay đã ngàn năm nhưng những luật nghi mà Ngài đã chế lập, tôi cũng đã hành trì đầy đủ.”
Rồi Tôn giả ấy nói kệ rằng:
Thượng tọa nghe tôi nói,
Tôi tên Tu-la-tha,
A-la-hán sạch lậu,
Sư tử rống trong chúng.
Chân đệ tử Thế Tôn,
Các quỷ thần tin Phật,
Nghe lời bậc Thánh dạy,
Buồn đau mà rơi lệ.
Lo nghĩ pháp sẽ diệt,
Từ nay trở về sau,
Không có người nói pháp,
Tỳ-ni,27 Biệt giải thoát,28
Không còn tại thế gian,
Cây cầu pháp sập rồi,
Dòng nước pháp ngừng chảy,
Biển pháp nay cạn khô.
Ngọn núi pháp sụp đổ,
Pháp hội vắng từ đây,
Cờ pháp không thấy nữa,
Chân pháp không đi lại.
Giới, luật nghi chẳng còn,
Đèn pháp hết chiếu soi,
Bánh xe pháp dừng chuyển,
Cửa giải thoát đóng chặt.
Pháp sư không ở đời,
Vắng người nói diệu đạo,
Chúng sanh không biết thiện,
Chẳng khác gì dã thú.
Bấy giờ, Phật mẫu Ma-ha Ma-da phu nhân từ trên trời hiện xuống, đến chỗ chúng Tăng rơi lệ khóc than: “Than ôi, khổ thay! Đó là con của ta, đã từng trải qua a-tăng-kỳ kiếp tu các khổ hạnh, thân không màng lao nhọc, tích đức để thành Phật, vậy mà hôm nay bỗng nhiên bị diệt vong!” Rồi phu nhân nói kệ:
Tôi là thân mẫu Phật,
Con tôi tu khổ hạnh,
Trải qua vô số kiếp,
Cứu cánh thành chánh đạo.
Khóc thương không ngăn được,
Nay pháp bỗng hoại diệt.
Than ôi! Bậc Trí Tuệ,
Hiện tại Ngài ở đâu.
Trì pháp bỏ tranh tụng,
Người từ miệng Phật sanh,
Tối thượng trên các vua,
Chân thật đệ tử Phật.
Tu diệu hạnh Đầu-đà,
Đêm nghỉ nơi rừng sâu,
Như thế thật con Phật,
Hiện nay đang ở đâu.
Hiện tại ở thế gian,
Không có bậc oai đức,
Giữa núi rừng hoang vắng,
Các thần đều im lặng.
Thí, giới, thương quần sanh,
Tin giới tự trang nghiêm,
Nhẫn nhục, hạnh ngay thẳng,
Quán sát pháp thiện ác,
Nhận thấy các pháp lành,
Hiện nay bỗng biến mất.
Bấy giờ, vị đệ tử của Thượng tọa kia suy nghĩ: “Tỳ-kheo Tu-la-tha tự nói: ‘Giới luật Như Lai chế định, ta giữ gìn đầy đủ.’” Thế rồi đệ tử của vị Thượng tọa này tên là An-già-đà khởi tâm bất nhẫn, phẫn hận cực độ, từ chỗ ngồi đứng dậy mắng chửi vị Thánh Tỳ-kheo kia:
“Ông là một Tỳ-kheo hạ tọa, ngu si, vô trí mà dám hủy nhục Hòa thượng của tôi.”
Nói xong, người này liền cầm dao bén giết vị Thánh Tỳ-kheo kia. Rồi nói bài kệ:
Ta là An-già-đà,
Đệ tử của Thất-sa,
Dùng kiếm bén giết ông,
Vì tự cho có đức.
Lúc này, có một con quỷ tên là Đại Đề-mộc-khư nghĩ rằng: “Thế gian chỉ còn một vị A-la-hán này mà đã bị tên đệ tử Tỳ-kheo xấu xa giết hại”, liền dùng chày kim cang bén, đầu chày lửa cháy rực, đánh vỡ đầu người này chết ngay tại chỗ, rồi nói bài kệ:
Ta là thần quỷ ác,
Tên Đại Đề-mộc-khư,
Dùng chày kim cang này,
Chẻ đầu ngươi làm bảy.
Bấy giờ, đệ tử của vị A-la-hán thấy người đệ tử Thượng tọa kia sát hại thầy mình, không kềm được tức giận nên giết vị Tam tạng. Lúc này, chư thiên và loài người đều bi thương kêu khóc: “Than ôi, khổ thay! Chánh pháp Như Lai hiện tại không còn nữa.” Bất chợt mặt đất rúng động sáu cách, vô lượng chúng sanh sầu não tột độ, kêu gào khóc lóc: “Than ôi! Ngày nay Chánh pháp không còn hiện hữu ở đời.” Than xong những lời này rồi, mọi người cùng nhau rời đi.
Bấy giờ, năm trăm ưu-bà-tắc ở nước Câu-diệm-di nghe những lời này xong liền đi vào chùa, đưa tay vỗ đầu, khóc than thảm thiết: “Than ôi! Như Lai thương xót thế gian, cứu giúp quần sanh không kể loài lớn nhỏ. Ai có thể vì chúng con mà nói nghĩa lý giáo pháp? Từ nay trời, người không thể nào giải thoát được nữa. Chúng sanh ngày nay vẫn còn ở trong bóng tối, không người dẫn đường, quen theo thói ác và lấy đó làm vui, giống như các loài dã thú, không chịu nghe Diệu pháp của Mâu-ni, để rồi sau khi qua đời bị đọa vào ba đường ác giống như sao băng, người ở thế gian kể từ nay không còn nhớ đến pháp vi diệu của đấng Thập Lực, Tam-muội, Tịch Tĩnh.”
Bấy giờ, Vua Câu-diệm-di nghe các Tỳ-kheo giết hại bậc A-la-hán và Pháp sư Tam tạng thì trong lòng rất đau buồn, xót thương, ngồi sụp xuống. Lúc này, bọn tà kiến tranh nhau đánh phá tháp miếu và hãm hại Tỳ-kheo, từ đó pháp Phật nhanh chóng tàn lụi.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Thích-đề-hoàn-nhân, bốn Đại Thiên vương, cùng với chư thiên và người ở thế gian:
– Sau khi Ta diệt độ, có những dấu hiệu Chánh pháp diệt tận, giống như trên đã nói. Thế nên, hiện tại các ông không thể không nỗ lực tinh tấn nhiều hơn để hộ trì Chánh pháp, khiến Chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian.
Lúc ấy, chư thiên và loài người sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, ai cũng thương cảm, dùng tay lau nước mắt, lạy sát chân Phật rồi mỗi người tự lui ra.
***
Chú thích:
1 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.640. 0177b15). Tham chiếu: A-dục vương truyện阿育王傳 (T.50. 2042.3. 0108a02). Xem chú thích 1, kinh số 604, quyển 23, tr. 680; Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0161b13).
2 Ma-thâu-la (摩偷羅, Madhurā), thành phố thủ đô của nước Surasena, một trong 16 quốc gia thời Phật, nằm bên bờ sông Yamunā.
3 Quật-đa (掘多) cũng gọi là Cù-đa (瞿多, Gupta).
4 Ưu-ba-quật-đa (優波掘多, Upagupta).
5 Ưu-lưu-man-trà (優留曼茶, Urumuṇḍa).
6 Na-tra-bạt-trí (那吒跋置). Kinh 604 phiên âm là Na-trà-bà-đê (那茶婆低).
7 Nguyên tác: Thế Tôn khởi thế tục tâm (世尊起世俗心). Tâm của chư Phật chỉ có chư Phật mới hiểu được. Để tùy cơ nhiếp hóa, đức Như Lai tùy theo đối tượng, căn cơ để khởi tâm tương ứng mà ở đây là tâm thế tục, nhờ vậy mà Thiên Đế-thích và bốn Đại Thiên vương mới biết được tâm của Ngài.
8 Bát-niết-bàn (般涅槃, S. Parinirvāna, P. Parinibbāna): Niết-bàn tối hậu.
9 Nguyên tác: Trùng thôn quỷ thôn (蟲村鬼村, S. bhūtagrāma). Tham chiếu: Phạm động kinh 梵動經 (T.01. 0001.21. 0089a18): Chủng thực thọ mộc quỷ thần sở y (種植樹木鬼神所依): Trồng các thứ cây cối có quỷ thần ở.
10 Da-bàn-na (耶槃那, Yavana).
11 Bát-la-bà (缽羅婆).
12 Đâu-sa-la (兜沙羅, Tukhāra).
13 Câu-diệm-di (拘睒彌, Kosambī), thành phố thủ đô của nước Vatsa hay còn gọi là Vamsa. Trong thời đức Phật, vị vua trị vì là Parantapa.
14 Ba-liên-phất (巴連弗, Pāṭaliputta). Xem chú thích 5, kinh số 604, quyển 23, tr. 682; Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0161b13).
15 A-kỳ-ni-đạt-đa (阿耆尼達多, Agnidatta).
16 Tỳ-đà kinh luận (比陀經論) chỉ cho các kinh điển Vệ-đà.
17 Tu-đà-na (須陀那, Sudāya, Sudāna).
18 Nguyên tác: Quả văn (寡聞), nghĩa đen là hiểu biết không rộng rãi. Với một bậc A-la-hán ở chốn núi rừng thì mang nghĩa không chú trọng việc đời hay việc xem nghe.
19 Nguyên tác: Thiểu tri (少知), thể rút gọn của “thiểu tri thức” (少知識), nghĩa là không có bạn bè. Đoạn kinh này nêu dẫn nhiều dấu hiệu liên quan đến hành hoạt của một bậc Độc giác.
20 Kiền-đà-ma-la (揵陀摩羅, Gandhamādana), đây là ngọn núi mà nhiều vị Độc giác thường cư ngụ.
21 Nguyên tác: Tát-xà (薩闍). Theo Phiên Phạn ngữ 翻梵語 (T.54. 2130.01. 0987b06), “tát-xà” (薩闍) dịch là “tụng đọc” (譯曰誦也). Theo khảo sát, “tát-xà” (薩闍) có thể được phiên âm từ cú ngữ Sanskrit: Dakṣiṇā, cũng được phiên âm là “đạt-sấn” (達嚫), có nhiều nghĩa và nghĩa dùng ở đây là chúc phúc, chú nguyện. Cơ sở của quan điểm này được ghi nhận ở Tăng. 增 (T.02. 0125.18.4. 0589b01): Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp liền thọ dụng vật thực. Vì muốn độ người nên Tôn giả đã vì cô ta mà nói bài kệ chú nguyện này (是時, 迦葉即受食飲, 欲度★故, 而為彼★說此達嚫). Theo Tứ phần luật 四分律 (T.22. 1428.49. 0935c11), Phật dạy rằng: Thọ thực xong thì không nên im lặng rồi rời đi mà phải nên vì người thí chủ nói kệ chú nguyện, thậm chí chỉ nói một câu (佛言: 不應食已默然而去, 應為檀越說達嚫, 乃至為說一偈).
22 Nguyên tác: Tam-bồ-đề lạc (三菩提樂). “Tam-bồ-đề” (三菩提), tức là sambuddhi, nghĩa là sự hiểu biết hoàn toàn.
23 Nguyên tác: Thích Sư Tử (釋師子, Sākya Sīha).
24 Duy-na (維那, S. Karmadāna), hợp từ vừa phiên âm vừa dịch nghĩa. Trong đó, “duy” (維) chỉ cho phép tắc, kỷ cương; “na” (那) là gọi tắt tiếng Phạn: “Yết-ma-đà-na” (羯磨陀那, karmadāna). Đây là vị Tăng đảm nhận trách nhiệm quản lý, phân chia thứ lớp, công việc... để ổn định việc của Tăng.
25 Hành-xá-la trù (行舍羅籌, salākā): Phát thẻ tre và đếm, một hình thức điểm danh hay lấy biểu quyết tập thể giữa chúng Tăng.
26 Nguyên tác: Bất học giới luật (不學戒律). Học (學) ở đây mang nghĩa là sự tu tập, thực hành. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.345. 0095b20): Tỳ-kheo ấy nhàm chán, xả ly tham dục, hướng đến diệt tận, đó gọi là học (彼比丘厭, 離欲, 滅盡向, 是名為學).
27 Tỳ-ni (毘尼) cũng gọi là “Tỳ-nại-da” (毘奈耶, Vinaya): Tạng Luật.
28 Biệt giải thoát (別解脫, Pātimokkha): Giới bổn, giới điều.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.