Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 24

612. VÍ DỤ CÂY CUNG16

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Giống như người cầm bốn loại cung cứng chắc, dùng hết sức mạnh bắn vào cái bóng của cây đa-la thì mũi tên nhanh chóng xuyên qua mà không chút trở ngại. Cũng vậy, bốn bậc đệ tử17 của Như Lai với nỗ lực mạnh mẽ, lợi căn, trí tuệ, sống đến trăm tuổi. Trong suốt một trăm năm đó được Như Lai thuyết pháp, dạy dỗ, ngoại trừ những lúc ăn, uống, ngủ, nghỉ, đại tiểu tiện, còn lại thời gian thường nói, thường nghe. Đối với những lời dạy của Như Lai, các đệ tử bằng trí tuệ sáng suốt, lanh lợi, họ hết lòng thọ trì, không chướng ngại và không có gì để hỏi lại Như Lai nữa. Như Lai thuyết pháp không bao giờ dứt, đệ tử nghe pháp cũng trọn một đời, đến lúc lâm chung, Như Lai thuyết pháp vẫn không cùng tận. Nên biết, lời nói của Như Lai vô lượng, vô biên; tên gọi, câu chữ, nghĩa lý, nội dung cũng lại vô lượng, vô biên, không cùng tận, đó chính là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là niệm xứ về thân,... thọ,... tâm và niệm xứ về pháp.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

Tất cả kinh nói về bốn niệm xứ đều có câu kết luận này: “Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên tu tập đối với bốn niệm xứ và khởi lòng ưa thích hơn nữa, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác. Hãy nên học như vậy!”

***

Chú thích:

16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.612. 0171c06). Tham chiếu: Thân mao hỷ thụ kinh 身毛喜豎經 (T.17. 0757.1. 0591c11 ); M. 12, Mahāsīhanāda Sutta (Đại kinh sư tử hống).
17 Nguyên tác: Thanh văn (聲聞, Sāvaka), vừa có nghĩa là bậc Thanh văn vừa mang nghĩa là đệ tử.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.