Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 24
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngụ trong làng Na-la,77 thuộc nước Ma-kiệt-đà. Tôn giả bị bệnh rồi nhập Niết-bàn, Sa-di Thuần-đà chăm sóc và phụng cúng Tôn giả.
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất do bệnh mà nhập Niết-bàn, Sa-di Thuần-đà đã lễ cúng Tôn giả Xá-lợi-phất, rồi gom lấy Xá-lợi còn lại, mang theo cùng với y bát đến thành Vương Xá. Đến nơi, Thuần-đà cất y bát, rửa chân, rồi đi đến chỗ Tôn giả A-nan, lạy sát chân Tôn giả, đứng qua một bên và thưa:
– Bạch Tôn giả! Hòa thượng của con là Tôn giả Xá-lợi-phất đã vào Niết bàn, con đem Xá-lợi và y bát về đây.
Tôn giả A-nan nghe Sa-di Thuần-đà báo tin ấy rồi, liền đi đến chỗ Phật và bạch rằng:
Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay, thân thể của con dường như rã rời, bốn phương chao đảo, nghẹn ngào không nói nên lời khi nghe Sa-di Thuần-đà nói với con là Tôn giả Xá-lợi-phất đã vào Niết-bàn và đã đem Xá-lợi cùng với y bát về đây!
Phật liền dạy:
– Thế nào, A-nan? Thầy Xá-lợi-phất có đem theo giới thân mà vào Niết-bàn không? Có mang theo định thân, tuệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân mà vào Niết-bàn không?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo A-nan:
– Hay là đã đem những pháp mà Ta đã tự biết để tự mình thành tựu Đẳng chánh giác và thuyết giảng như bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi mà vào Niết-bàn?
Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Tuy chẳng đem theo giới thân... (cho đến) các pháp đạo phẩm mà vào Niết-bàn, nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc giữ giới, đa văn, ít muốn biết đủ, thường tu hạnh viễn ly, tinh cần nỗ lực, nhiếp niệm an trụ, nhất tâm nhập định, là bậc trí tuệ bén nhạy, trí tuệ sâu xa, trí tuệ siêu việt, trí tuệ phân biệt, trí tuệ to lớn, trí tuệ rộng rãi, trí tuệ thâm sâu, trí tuệ không ai bằng, trí báu đã thành tựu, khéo thấy biết, khéo chỉ dạy, khéo soi sáng, khéo làm cho hoan hỷ, khéo léo khen ngợi và nói pháp vì đại chúng. Thế nên, thưa Thế Tôn! Con vì pháp, vì bậc giữ gìn Chánh pháp78 mà buồn đau, khổ não.
Phật dạy:
– Này A-nan! Thầy chớ buồn đau, khổ não! Vì sao như vậy? Vì những gì được sanh ra, được hình thành, được tồn tại đều là pháp hữu vi nên sẽ tan hoại, sao có thể khiến không tan hoại được? Muốn các pháp hữu vi không tan hoại thì điều ấy không thể được!
Trước đây Ta đã từng nói, tất cả mọi vật đáng yêu, đáng nhớ, tất cả mọi sự xứng ý, vừa lòng đều là pháp chia ly, không thể nắm giữ mãi. Ví như cây to, gồm rễ, thân, nhánh, lá, hoa, trái sum suê tươi tốt thì nhánh lớn sẽ gãy trước. Cũng như núi báu lớn thì núi nào cao sẽ sụp đổ trước. Cũng vậy, trong hàng đại chúng quyến thuộc của Như Lai thì những bậc đại đệ tử sẽ vào Niết-bàn trước. Nếu như phương kia có Xá-lợi-phất an trụ thì Ta sẽ an tâm đối với phương ấy, nhưng mà nơi ấy đối với Ta không phải là trống không, vì đã có Xá-lợi-phất, như trước đây Ta đã từng nói.
Hôm nay với thầy, này A-nan, như trước đây Ta đã nói, tất cả mọi vật đáng yêu, đáng nhớ, tất cả mọi sự xứng ý, vừa lòng thảy đều là pháp phải chia ly! Cho nên, này A-nan, hôm nay thầy đừng quá buồn đau. A-nan nên biết, Như Lai không bao lâu nữa cũng sẽ ra đi. Thế nên, này A-nan, hãy tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa nơi chính mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là tự mình làm hòn đảo để tự mình nương tựa? Thế nào là tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa nơi chính mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác?
Phật đáp:
– Giống như vị Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên thân, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Cũng vậy, sống quán niệm thân trên ngoại thân,... trên nội ngoại thân;... thọ,... tâm và pháp trên pháp, cũng nói như thế. A-nan! Đây gọi là tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa nơi chính mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.
Đức Phật nói kinh này xong, [Tôn giả A-nan và] các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
76 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.638. 0176b28). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125 26.9. 0639a12); S. 47.13 - V. 161.
77 Na-la tụ lạc (那羅聚落, Nālagāmaka).
78 Nguyên tác: Thọ pháp (受法). Tham chiếu: S. 47.13 - V. 161: Dhammānuggaha (Hộ trì của pháp), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.