Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 24

636. PHÁP TU BỐN NIỆM XỨ74

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Kê Lâm, ấp Ba-liên-phất.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ta sẽ nói cho các thầy về pháp tu bốn niệm xứ. Thế nào là pháp tu bốn niệm xứ? Này các Tỳ-kheo! Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời diễn nói Chánh pháp. Pháp ấy phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Nếu có người thiện nam hay người thiện nữ nào theo Phật nghe pháp, có lòng tin thanh tịnh, nên tu học như vầy: Vì hiểu rằng đời sống tại gia là sự hòa hợp các mối tai họa của dục lạc và bị phiền não trói buộc; vì muốn sống một mình ở nơi thanh vắng, xuất gia học đạo, chẳng ưa ở nhà, thích sống không nhà; vì mong mỏi cả cuộc đời này chỉ hướng về thanh tịnh, thanh tịnh thuần nhất, Phạm hạnh trong sạch nên đã khởi nghĩ: “Ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, sống không gia đình, xuất gia học đạo.”

Suy nghĩ như thế rồi nên người thiện nam hay người thiện nữ ấy liền xả bỏ tiền tài và thân thuộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, sống không gia đình, xuất gia học đạo, tu tập thân nghiệp đoan chánh, phòng hộ bốn lỗi lầm của miệng, đời sống thanh tịnh và tu tập theo giới luật của Hiền thánh, giữ gìn các căn, giữ tâm chánh niệm, khi mắt thấy sắc thì không chấp giữ hình tướng. Nếu không phòng hộ nhãn căn bằng luật nghi, những pháp ác, bất thiện, tham ưu ở đời sẽ mãi xâm nhập vào tâm. Vì vậy, đối với nhãn căn cần phải nhiếp hộ bằng chánh luật nghi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng nhiếp hộ bằng chánh luật nghi như vậy.

Vì để thành tựu giới luật Hiền thánh, vị ấy đã khéo nhiếp hộ các căn, tới lui, qua lại, co duỗi, cúi ngước, nằm ngồi, thức ngủ, nói năng, im lặng đều an trụ trong hiểu biết tỉnh giác.

Vì để thành tựu Thánh giới này, vị ấy giữ gìn các căn, chánh niệm tỉnh giác, tịch tĩnh xa lìa, ở nơi vắng vẻ, bên gốc cây, trong nhà trống, ngồi một mình, thân tâm ngay thẳng, buộc tâm an trụ, diệt trừ tham ưu ở đời, lìa tham dục, trừ sạch tham dục; đoạn trừ sân hận, thùy miên, trạo hối và nghi ngờ ở thế gian; xa lìa sân hận, thùy miên, trạo hối và nghi ngờ; diệt trừ hoàn toàn sân hận, thùy miên, trạo hối và nghi ngờ.

Vì để diệt trừ năm thứ ngăn che làm não hại tâm, làm tuệ yếu kém, các chướng ngại sanh, không hướng đến Niết-bàn, thế nên [vị ấy] phải sống quán niệm thân trên nội thân, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Cũng như vậy, sống quán niệm thân trên ngoại thân,... trên nội ngoại thân; sống quán niệm thọ,... tâm và sống quán niệm pháp trên pháp, cũng nói như vậy. Đây gọi là Tỳ-kheo tu bốn niệm xứ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:
74 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.636. 0176a19). Tham chiếu: S. 47.3 - V. 142.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.