Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 24
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật từ nước Bạt-kỳ đi giáo hóa trong nhân gian rồi đến nghỉ trong vườn Am-la thuộc nước Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, nữ cư sĩ Am-la44 nghe tin đức Thế Tôn từ nước Bạt-kỳ đi giáo hóa trong nhân gian và đến nghỉ trong vườn Am-la, liền tự mình sửa soạn rồi đánh xe ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đi đến chỗ Phật để cung kính cúng dường.
Khi vừa đến cổng vườn Am-la, nữ cư sĩ từ xa trông thấy đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng vây quanh, liền xuống xe đi bộ.
Thế Tôn thấy nữ cư sĩ Am-la từ xa đang đi đến liền bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo các thầy phải chuyên cần nhiếp tâm, chánh niệm tỉnh giác. Hôm nay, có nữ cư sĩ Am-la đến cho nên Ta nhắc nhở các thầy. Thế nào là Tỳ-kheo tinh cần nhiếp tâm an trú? Đó là, nếu Tỳ-kheo đối với pháp ác, bất thiện đã sanh thì phải phát khởi ước muốn nỗ lực, tinh cần nhiếp tâm khiến chúng đoạn trừ; pháp ác, bất thiện chưa sanh thì không để sanh khởi; pháp thiện chưa sanh thì phải khiến sanh khởi; pháp thiện đã sanh thì khiến cho tồn tại chẳng mất, tu tập để tăng trưởng, phát khởi ước muốn, nỗ lực và tinh cần nhiếp tâm. Đây gọi là Tỳ-kheo tinh cần nhiếp tâm an trú.
Thế nào gọi là Tỳ-kheo tỉnh giác? Nghĩa là Tỳ-kheo thường xuyên tỉnh giác trong các oai nghi đi tới, đi lui; trong các cử chỉ quay nhìn, xem trông, co duỗi, cúi đầu, ngẩng đầu, đắp y, ôm bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, im lặng... đều an trú trong tỉnh giác. Đây gọi là Tỳ-kheo tỉnh giác.
Thế nào là chánh niệm? Nghĩa là Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên nội thân, siêng năng nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Cũng vậy, sống quán niệm thọ, tâm và pháp trên pháp, siêng năng nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Đây gọi là Tỳ-kheo chánh niệm.
Vì thế, các thầy hãy siêng năng nhiếp phục tâm mình, chánh niệm tỉnh giác. Hôm nay có nữ cư sĩ Am-la đến đây, cho nên Như Lai nhắc nhở các thầy.
Bấy giờ, nữ cư sĩ Am-la đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn vì cư sĩ Am-la mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho nữ cư sĩ hoan hỷ.45 Sau khi vì nữ cư sĩ Am-la mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho nữ cư sĩ hoan hỷ rồi, Thế Tôn an trú trong tĩnh lặng.
Nữ cư sĩ Am-la chỉnh trang lại y phục, đảnh lễ đức Phật rồi chắp tay bạch:
– Cúi xin Thế Tôn và đại chúng nhận lời cúng dường bữa cơm trưa mai của con!
Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Nữ cư sĩ Am-la biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời liền lạy sát chân Phật rồi trở về nhà, sửa soạn nhiều món ăn và sắp xếp chỗ ngồi.
Sáng sớm hôm sau, nữ cư sĩ cho người đến bạch Phật: “Đã đến giờ!”
Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng cùng đi đến nhà Am-la và ngồi vào chỗ đã sắp đặt. Thế rồi nữ cư sĩ Am-la tự tay dâng lên các món ăn thức uống.
Sau khi chúng Tăng thọ trai, rửa tay và rửa bát xong, nữ cư sĩ Am-la lấy một chiếc ghế nhỏ rồi ngồi trước Phật để nghe Ngài thuyết pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn vì nữ cư sĩ Am-la mà nói bài kệ tùy hỷ:
Bố thí, người quý mến,
Được nhiều người đi theo,
Tiếng thơm ngày càng cao,
Gần xa đều biết đến.
Hòa nhã với mọi người,
Lìa tham, không sợ hãi,
Bố thí bằng trí tuệ,
Dứt sạch mọi xan tham.
Sanh cõi trời Đao-lợi,
Lâu dài được an vui,
Suốt đời thường tu đức,
Được dạo vườn Nan-đà,
Muôn nhạc trời hoan ca,
Thỏa lòng hưởng năm dục.
Người sống ở nhân gian,
Từng nghe Phật thuyết pháp,
Được làm đệ tử Phật,
Sẽ hóa sanh về đó.
Bấy giờ, Thế Tôn vì nữ cư sĩ mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho nữ cư sĩ hoan hỷ, rồi Ngài đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
43 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.622. 0174a02). Tham chiếu: S. 47.2 - V. 142.
44 Am-la (菴羅, Amba): Cây xoài, ở đây chỉ cho vườn xoài của bà Am-bà-bà-lợi (菴婆婆利, Ambapāli) đã dâng cúng cho đức Phật và Tăng đoàn để làm tinh xá; gọi nữ cư sĩ Vườn Xoài (菴羅, Amba) nhằm thể hiện sự kính trọng đối với vị nữ cư sĩ này.
45 Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.