Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 24
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng với chúng Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Phải dạy dỗ như thế nào và thuyết pháp gì cho những Tỳ-kheo trẻ tuổi này?
Phật bảo Tôn giả A-nan:
– Đối với những Tỳ-kheo trẻ tuổi này, thầy nên đem bốn niệm xứ dạy họ tu tập. Bốn niệm xứ là những gì? Nghĩa là sống quán niệm thân trên thân, nỗ lực siêng năng, tu tập không buông lung, chánh niệm tỉnh giác, giữ tâm tịch tĩnh... (cho đến) biết rõ thân; đối với thọ,... tâm và sống quán niệm pháp trên pháp, nỗ lực siêng năng, tu tập không buông lung, chánh niệm tỉnh giác, giữ tâm tịch tĩnh... (cho đến) biết rõ pháp. Vì sao như vậy? Vì nếu Tỳ-kheo còn ở giai vị Hữu học, khi chưa được thăng tiến nhưng có chí nguyện mong cầu Niết-bàn an ổn, nên sống quán niệm thân trên thân, nỗ lực siêng năng, tu tập không buông lung, chánh niệm tỉnh giác, nội tâm tịch tĩnh; sống quán niệm thọ,... tâm và sống quán niệm pháp trên pháp, nỗ lực siêng năng, tu tập không buông lung, chánh niệm tỉnh giác, nội tâm tịch tĩnh... (cho đến) xa lìa các pháp.
Nếu bậc A-la-hán các lậu đã hết sạch, việc cần làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, dứt hẳn các hữu kiết sử,40 đạt được chánh trí,41 được giải thoát hoàn toàn,42 ngay lúc này, vị ấy cũng tu tập và sống quán niệm thân trên thân, nỗ lực siêng năng, tu tập không buông lung, chánh niệm tỉnh giác, nội tâm tịch tĩnh. Sống quán niệm thọ,... tâm và pháp trên pháp... (cho đến) xa lìa các pháp.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
***
Chú thích:
39 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.621. 0173c12). Tham chiếu: S. 47.4 - V. 144.
40 Hữu kiết (有結, bhavasaṃyojanā): Phiền não dẫn đến tái sanh.
41 Nguyên tác: Chánh trí (正智, sammāñāṇa), trí hiểu biết chân chánh, là tuệ giác của bậc A-la-hán.
42 Nguyên tác: Tâm thiện giải thoát (心善解脫, suvimuttacitta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.200. 0051c09).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.