Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 24
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, có một con chim tên là la-bà32 bị chim ưng bắt lấy bay lên hư không. Giữa hư không, chim la-bà kêu: “Ta không cảnh giác nên mới gặp nạn này. Ta lìa bỏ chỗ ở của cha mẹ mà đi chơi chỗ khác nên mới bị nạn này. Sao nay ta bị kẻ khác làm khốn khổ, không được tự do.”
Chim ưng bảo la-bà:
“Ngươi có cảnh giới riêng ở đâu mà được tự do?”
La-bà đáp:
“Trong rãnh cày nơi đồng ruộng là cảnh giới riêng của tôi, đủ để tránh các tai nạn, là nơi ở của cha mẹ, là nhà tôi.”
Chim ưng nói với la-bà bằng giọng kiêu mạn:
“Được, ta thả cho ngươi trở về nơi rãnh cày trong đồng ruộng, xem ngươi có thể thoát được tay ta không?”
Thế rồi, chim la-bà thoát khỏi móng vuốt của chim ưng, trở về nơi rãnh cày và núp dưới một khối đất to, rồi nằm yên nơi ấy. Sau đó, chim la-bà đứng trên khối đất to, khiêu chiến đánh nhau với chim ưng.
Chim ưng liền nổi giận mắng:
“Ngươi là loài chim nhỏ mà dám đánh nhau với ta sao?”
Chim ưng quá đỗi tức giận lao thẳng tới, lúc này la-bà lập tức trốn xuống dưới khối đất to. Chim ưng trên đà lao mạnh, nên ngực va vào khối đất cứng, liền tan thân mất mạng. Khi ấy, chim la-bà núp sâu dưới khối đất, ngẩng lên nói kệ:
Chim ưng bay mạnh đến,
La-bà núp chỗ mình,
Vì ưng quá sân hận,
Nên chuốc họa nát thân.
Ta đầy đủ sáng suốt,
Nương ở chỗ của mình,
Dẹp oán, tâm tùy hỷ,
Tự vui khéo lượng sức.
Người dẫu có hung ác,
Mạnh như trăm ngàn voi,
Chẳng bằng phần mười sáu,
So trí tuệ của ta,
Xem trí ta thù thắng,
Tiêu diệt được chim ưng.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Như chim ưng kia, vì ngu si nên tự bỏ cảnh giới thân thuộc của cha mẹ mà bay vào nơi khác nên gặp phải tai họa đó. Tỳ kheo các thầy cũng nên như thế, phải ở chính nơi cảnh giới tu học của mình, nên khéo giữ gìn, tránh xa cảnh giới khác, đây là điều cần phải học.
Này các Tỳ-kheo! “Chỗ khác, cảnh giới khác”, đó nghĩa là cảnh giới của năm dục: Mắt thấy sắc đẹp vừa ý thì ưa thích, nghĩ đến sắc đẹp, tâm tham muốn dính mắc; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm vừa ý, ưa thích, nghĩ đến xúc chạm êm dịu, khởi tâm đắm nhiễm, đây gọi là Tỳ-kheo ở chỗ khác, cảnh giới khác.
Này các Tỳ-kheo, “tự nương trụ cảnh giới của cha mẹ”, đó nghĩa là bốn niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là niệm xứ quán thân trên thân,... thọ,... tâm và niệm xứ quán pháp trên pháp. Như thế, Tỳ-kheo, hãy tự nương trụ cảnh giới của cha mẹ mà tự dạo chơi, tránh xa chỗ khác, cảnh giới khác. Hãy nên học như vậy!
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
31 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.617. 0172c24). Tham chiếu: S. 47.6 - V. 146.
32 La-bà (羅婆, lāpa) chỉ cho chim cút.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.