Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 24
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy giữ lấy tướng tự tâm,28 chớ để phân tán ra bên ngoài. Vì sao như vậy? Như Tỳ-kheo mê mờ thiếu hiểu biết, không khéo léo, không giữ lấy tướng của tâm mình mà nắm bắt tướng bên ngoài, Tỳ-kheo này sau đó sẽ thoái giảm, tự sanh chướng ngại. Ví như người đầu bếp ngu si thiếu hiểu biết, không khéo léo điều hòa các gia vị chua, chát, mặn, nhạt29 để vừa ý chủ; không khéo léo nắm bắt được sở thích của chủ để kết hợp các gia vị chua, chát, mặn, nhạt. Đầu bếp đã không khéo thân cận hầu hạ chủ, không dò xét được sở thích của chủ, không lắng nghe ước muốn của chủ, không khéo nắm bắt tâm ý của chủ mà tự ý điều hòa các gia vị để phục vụ chủ. Do không thích hợp với ý chủ nên chủ không hài lòng; vì không hài lòng nên chẳng ban thưởng, cũng chẳng thương mến. Tỳ-kheo mê mờ thiếu hiểu biết cũng giống như vậy, chẳng khéo léo sống quán niệm thân trên thân, không thể đoạn trừ tất cả thượng phần phiền não,30 chẳng thể nhiếp giữ tâm mình, lại cũng không được nội tâm tịch tĩnh, chẳng được chánh niệm tỉnh giác thắng diệu, lại cũng chẳng được bốn thứ tâm pháp tăng thượng, không trụ an lạc với hiện pháp, chưa được Niết-bàn an ổn. Đây gọi là Tỳ-kheo mê mờ thiếu hiểu biết, chẳng khéo léo, không thể khéo nhiếp giữ tướng nội tâm mà nắm bắt tướng bên ngoài, tự sanh chướng ngại.
Nếu có Tỳ-kheo thông tuệ biện tài, phương tiện khéo léo, nhiếp giữ nội tâm, rồi sau mới tiếp thu tướng bên ngoài, vị ấy về sau trọn không thoái thất hoặc tự sanh chướng ngại. Ví như người đầu bếp khôn ngoan, hiểu biết, phương tiện khéo léo, tìm cách điều hòa các gia vị chua, chát, mặn, nhạt để phục vụ chủ. Khéo nắm bắt được khẩu vị, sở thích của chủ để điều hòa các gia vị, đáp ứng được mong muốn của chủ, làm theo đúng hương vị chủ ưa thích; dâng lên chủ dùng, người chủ đã hài lòng rồi thì chắc chắn sẽ được khen thưởng và được yêu mến gấp bội. Như thế là người đầu bếp thông minh, khéo hiểu được tâm ý của chủ. Tỳ-kheo cũng như thế, sống quán niệm thân trên thân, đoạn trừ tất cả thượng phần phiền não, khéo thu nhiếp tâm, nội tâm dừng lặng, chánh niệm tỉnh giác, được bốn thứ tâm pháp tăng thượng, trụ an lạc trong pháp hiện tại, đạt được điều chưa đạt là Niết-bàn an ổn. Đây gọi là Tỳ-kheo thông tuệ biện tài, phương tiện thiện xảo, nhiếp giữ tướng nội tâm, nhiếp giữ tướng bên ngoài, trọn không thoái thất, không bị chướng ngại.
Sống quán niệm về thọ, về tâm và về pháp cũng nói như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.616. 0172b23). Tham chiếu: S. 47.8 - V. 149.
28 Nguyên tác: Đương thủ tự tâm tướng (當取自心相). S. 47.8 - V. 149: Sakassa cittassa nimittaṃ uggaṇhātī (Hãy nên học tập tướng tâm của mình).
29 Nguyên tác: Toan, hàm, tạc (酸, 鹹, 酢). S. 47.8 - V. 149: Ambilaggehipi, tittakaggehipi, kaṭukaggehipi, madhuraggehipi, khārikehipi, akhārikehipi, loṇikehipi, aloṇikehipi (chua, đắng, cay, ngọt, chất kiềm, không phải chất kiềm (khārikehipi, akhārikehipi), chất mặn, không phải chất mặn), HT. Thích Minh Châu dịch.
30 Nguyên tác: Thượng phiền não (上煩惱). Theo A. 10.13 - V. 17 thì đây có thể là năm thượng phần kiết sử (pañcuddhambhāgiyāni saṃyojanāni): Rūparāgo, arūparāgo, māno, uddhaccaṃ, avijjā (sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.