Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 24

615. CHƯ NI VÀ BỐN NIỆM XỨ21

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Tôn giả A-nan đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Dọc đường Tôn giả suy nghĩ: “Hôm nay, trước tiên ta đến chùa Tỳ kheo-ni.” Tôn giả liền đi đến chùa Tỳ-kheo-ni.

Các Tỳ-kheo-ni từ xa thấy Tôn giả A-nan đi đến thì vội vàng trải tòa thỉnh ngồi.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo-ni đảnh lễ sát chân Tôn giả A-nan rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

– Bạch Tôn giả! Những Tỳ-kheo-ni chúng con đang tu tập bốn niệm xứ, buộc tâm an trú, tự biết trước, sau, lên, xuống.22

Khi ấy, Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:

– Lành thay! Lành thay! Thưa các cô! Hãy tu tập như những gì mà các cô đã nói. Những ai tu tập bốn niệm xứ, khéo buộc tâm an trụ thì phải biết trước, sau, lên, xuống như vậy.

Thế rồi Tôn giả A-nan thuyết nhiều pháp thoại cho các Tỳ-kheo-ni. Sau khi thuyết pháp xong, Tôn giả đứng dậy rời đi.

Bấy giờ, sau khi vào thành Xá-vệ khất thực trở về, Tôn giả A-nan cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Phật rồi ngồi sang một bên và đem những lời nói của các Tỳ-kheo-ni thuật lại đầy đủ với Thế Tôn.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

– Lành thay! Lành thay! Nên như thế mà tu tập bốn niệm xứ, khéo buộc tâm an trú, biết rõ trước, sau, lên, xuống. Vì sao như thế? Vì đối với tâm tìm cầu bên ngoài, tâm tán loạn, tâm không giải thoát23 thì đều phải biết rõ như thật rồi sau đó chế ngự, khiến tâm tìm lại chính mình.24

Nếu Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên thân, sau khi sống quán niệm thân trên thân rồi mà thân mê ngủ, tâm pháp biếng nhác, Tỳ-kheo ấy nên khởi lòng tin trong sạch, giữ lấy tướng tịnh tín.25 Sau khi khởi lòng tin trong sạch và nghĩ nhớ tướng tịnh tín rồi thì tâm của vị Tỳ-kheo ấy được hân hoan, do hân hoan nên sanh hỷ lạc. Do tâm vị ấy có hỷ lạc nên thân khinh an,26 do thân khinh an nên cảm nhận được sự an lạc nơi thân. Khi cảm nhận được sự an lạc nơi thân rồi thì tâm vị ấy có định. Với tâm có định, Thánh đệ tử nên học như vầy: “Đối với ý nghĩa này, nếu tâm của ta còn phân tán bên ngoài thì phải nhiếp phục, khiến cho dừng nghỉ, không khởi giác tưởng và quán tưởng, không giác, không quán, sống an trú lạc với xả và niệm. Khi đã sống an trú lạc rồi thì biết rõ như thật.”

Sống quán niệm về thọ, về tâm và về pháp cũng nói như thế.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

21 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.615. 0172a06). Tham chiếu: S. 47.10 - V. 154.
22 Nguyên tác: Tri tiền hậu thăng giáng (知前後昇降). S. 47.10 - V. 154: Uḷāraṃ pubbenāparaṃ visesaṃ sañjānanti (Rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng), HT. Thích Minh Châu dịch.
23 Nguyên tác: Tâm ư ngoại cầu (心於外求), “Tán loạn tâm bất giải thoát” (散亂心不解脫). Tham chiếu: S. 47.10 - V. 154: Bahiddhā vā cittaṃ vikkhipati (hoặc tâm phân tán hướng ngoại), HT. Thích Minh Châu dịch.
24 Bản Hán có cấu trúc tối nghĩa. Đoạn kinh này nương vào S. 47.10 - V. 154 để hoàn thiện.
25 Nguyên tác: Tướng tịnh (淨相). Tham chiếu: S. 47.10 - V. 154: Tenānanda, bhikkhunā kismiñcideva pasādanīye nimitte cittaṃ paṇidahitabbaṃ. (Này Ānanda, Tỷ-kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín (pasādanīye nimitte)), HT. Thích Minh Châu dịch.
26 Nguyên tác: Thân ỷ tức (身猗息, kāyapassaddhi, passaddhakāyo), chỉ cho thân khinh an.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.