Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 22
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại bãi tha ma, ở trong rừng Hàn,29 thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc vì có chút việc nên đến thành Vương Xá và ngủ lại đêm ở nhà một vị trưởng giả nọ. Trong đêm, trưởng giả Cấp Cô Độc nghe thấy gia chủ này nói với vợ con, tôi tớ và những người giúp việc:
_ Mọi người hãy thức dậy, chuẩn bị củi lửa, nấu cơm, làm bánh, sửa soạn thức ăn ngon và trang hoàng nhà cửa.
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe vậy, suy nghĩ: “Nhà trưởng giả này hôm nay có tiệc gì đây? Hoặc là gả con gái, hoặc là cưới vợ cho con trai, hay là mời khách vua, quan?” Nghĩ xong, trưởng giả Cấp Cô Độc liền hỏi trưởng giả kia:
_ Nhà ông đãi tiệc gì sao? Gả con gái hay là cưới dâu? Hay là có mời khách vua, quan?
Trưởng giả kia đáp:
_ Tôi không gả con, cũng không cưới dâu, lại cũng không có mời khách vua, quan gì cả. Tôi chỉ muốn thỉnh Phật và Tỳ-kheo-tăng đến để thiết trai cúng dường.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc vừa nghe đến danh tự “Phật” mà trước đến giờ chưa từng nghe thì trong lòng vô cùng hoan hỷ, toàn thân sởn gai ốc, niềm vui dâng tràn, liền hỏi trưởng giả kia:
_ Vì sao gọi là Phật?
Trưởng giả đáp:
_ Có vị Sa-môn Cù-đàm thuộc dòng họ Thích-ca. Trong dòng họ Thích, vị này đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, với niềm tin tha thiết, rời xa gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo và thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên được gọi là Phật.
Trưởng giả Cấp Cô Độc lại hỏi:
_ Thế nào là Tăng?
Trưởng giả kia đáp:
_ Như người thuộc dòng Bà-la-môn phát tâm cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, với niềm tin tha thiết, rời xa gia đình, sống không gia đình để xuất gia theo Phật; hoặc những người thiện nam thuộc dòng Sát-lợi, dòng Tỳ-xá hay dòng Thủ-đàla phát tâm cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, với niềm tin tha thiết, rời xa gia đình, sống không gia đình để xuất gia theo Phật thì đều được gọi là Tăng. Hôm nay, tôi thỉnh Phật và hiện tiền Tăng đến để thiết lễ cúng dường.
Trưởng giả Cấp Cô Độc liền hỏi trưởng giả kia:
_ Hôm nay, tôi có thể đến gặp đức Thế Tôn không?
Trưởng giả kia đáp:
_ Ông cứ ở đây, tôi thỉnh Thế Tôn đến nhà, ông sẽ được gặp Ngài tại nhà tôi.
Suốt đêm hôm ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc một lòng nghĩ đến Phật và ngủ rất an ổn. Bấy giờ, trời vẫn chưa sáng, nhưng trưởng giả Cấp Cô Độc lại chợt thấy có ánh sáng nên nghĩ rằng trời đã sáng, liền rời khỏi nhà trưởng giả kia và đi về phía cổng thành. Vừa đến chân cổng thành thì đêm chỉ mới canh hai, cổng thành vẫn chưa mở. Theo luật lệ vua ban, phải có chỉ dụ mới được đi lại, vì lúc này chỉ mới vừa qua đầu đêm nên cổng thành vẫn còn đóng; qua khỏi nửa đêm thì cổng thành mới mở, để tiện cho người có nhu cầu đi lại sớm.
Khi trưởng giả Cấp Cô Độc thấy cổng thành mở, liền suy nghĩ: “Nhất định là trời đã sáng nên cổng thành đã mở.” Thế rồi trưởng giả nương theo tướng ánh sáng ấy và ra khỏi cổng thành. Ông vừa ra khỏi cổng thành thì tướng ánh sáng liền tắt, trời bỗng trở lại tối tăm. Trưởng giả Cấp Cô Độc lòng rất lo sợ, toàn thân sởn gai ốc, tự nghĩ: “Có lẽ bị người lạ hay là loài phi nhân, hoặc yêu ma, hoặc kẻ gian muốn khiến ta sợ hãi đây?” Thế rồi, ông muốn quay trở về.
Bấy giờ, gần bên cổng thành có thiên thần đang cư ngụ. Vị thiên thần này phóng ra ánh sáng từ thân, chiếu soi cùng khắp từ cổng thành ấy cho đến bãi tha ma trong rừng Hàn, rồi nói với trưởng giả Cấp Cô Độc:
_ Ông hãy đi về phía trước, sẽ được lợi ích tốt đẹp, nhớ đừng quay trở lại!
Thiên thần lại nói kệ:
Long tượng[2] ở Tuyết Sơn,
Trang sức toàn vàng ròng,
Thân to, ngà dài, lớn,
Đem nó thí cho người,
So với phước hướng Phật,
Bằng một phần mười sáu.
Thế nên, trưởng giả! Ông hãy mau tiến về phía trước, sẽ được lợi ích lớn, chớ có quay lại.
Thiên thần lại nói kệ:
Mỹ nữ Kim-bồ-xà,[3] Số lượng đến trăm người,
Đeo các thứ báu đẹp, Trang sức đầy châu ngọc.
Dù đem họ thí hết, Phước đức kia cũng chỉ,
Bằng một phần mười sáu, Phước hướng Phật một bước.
Thế nên, này trưởng giả! Ông hãy mau bước về phía trước, sẽ được lợi ích tốt đẹp, chớ có quay trở lại.
Lúc này, trưởng giả Cấp Cô Độc liền hỏi thiên thần:
– Hiền giả! Xin hỏi Hiền giả là ai?
Thiên thần đáp:
– Tôi là Đại-ma-na-bà[4] Ma-đầu-tức-kiện, trước đây là người quen biết với trưởng giả. Tôi nhờ công đức khởi tâm kính tin Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nên nay được sanh lên cõi trời và có nhiệm vụ trông coi cổng thành này. Vậy nên tôi bảo trưởng giả hãy đi về phía trước, chớ quay trở lại, bước tới sẽ được lợi ích, chớ có quay lại.
Lúc này, trưởng giả Cấp Cô Độc suy nghĩ: “Đức Phật xuất hiện ở thế gian quả thật không phải là điều bình thường, được nghe Chánh pháp cũng không phải là điều dễ dàng gì, vậy nên thiên thần mới khuyên ta hãy đến gặp Phật.”
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc nương theo ánh sáng kia, đi qua bãi tha ma rừng Hàn. Vừa đúng lúc Thế Tôn rời khỏi phòng, ra ngoài kinh hành nơi đất trống. Từ xa trông thấy đức Phật, trưởng giả Cấp Cô Độc liền bước đến trước Thế Tôn và cung kính thăm hỏi theo pháp của người thế gian:
– Thưa Thế Tôn! Ngài ngủ nghỉ có an ổn không?
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ đáp:
Niết-bàn của Sa-môn,[5]
Đó là thường an lạc,
Không đắm nhiễm ái dục,
Được giải thoát hoàn toàn.
Dứt tất cả mong cầu,
Điều phục tâm rong ruổi,
Khi tâm tịch lặng rồi,
Ngủ nghỉ luôn an ổn.
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn trưởng giả Cấp Cô Độc đi vào trong tinh xá, bảo ngồi vào tòa, giữ thân ngay thẳng, buộc niệm trước mặt. Nhân đó, Thế Tôn vì trưởng giả mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho trưởng giả hoan hỷ.[6]
Thế Tôn dạy: “Các pháp vốn vô thường, hãy nên làm phước bố thí, phước trì giới, phước sanh về cõi trời, phước của sự xa lìa vị ngọt của dục, xa lìa tai hại của dục và sự thoát ly dục.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe pháp, thấy pháp, đắc pháp, thể nhập giáo pháp, hiểu rõ giáo pháp, vượt thoát nghi hoặc, không tin ai khác, không nương ai khác, thể nhập Chánh pháp, tâm được vô úy. Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật rồi quỳ gối chắp tay thưa:
– Bạch Thế Tôn! Con đã được độ. Bạch Thiện Thệ! Con đã được độ. Từ nay cho đến hết đời, con nguyện quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng, xin được làm ưu-bà-tắc. Ngưỡng mong đức Phật chứng tri cho con!
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
– Ông tên là gì?
Trưởng giả bạch Phật:
– Con tên là Tu-đạt-đa,[7] vì con thường giúp đỡ những người cô độc khốn khổ nên người đời gọi con là Cấp Cô Độc.
Thế Tôn lại hỏi:
– Ông hiện ở đâu?
Trưởng giả bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, con ở tại xứ Câu-tát-la, thành Xá-vệ. Ngưỡng mong Thế Tôn đến nước Xá-vệ, con nguyện trọn đời cúng dường y phục, thức ăn thức uống, phòng xá, giường nằm và thuốc thang trị bệnh!
Phật hỏi trưởng giả:
– Nước Xá-vệ có tinh xá không?
Trưởng giả bạch Phật:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật nói với trưởng giả:
– Ông hãy xây dựng tinh xá ở đó để các Tỳ-kheo lui tới cư trú.
Trưởng giả bạch Phật:
– Con rất mong Thế Tôn đến nước Xá-vệ, con sẽ xây dựng tinh xá, Tăng phòng, để các Tỳ-kheo lui tới dừng nghỉ.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời.
Khi ấy, trưởng giả biết Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của mình rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lạy sát chân Phật rồi rời đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.592. 0157b18). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.186. 0440b02); Giáo hóa bệnh kinh 教化病經 (T.01. 0026.28. 0458b28); S. 10.8 - I. 210. 29 Nguyên tác: Hàn lâm trung khâu trủng gian (寒林中丘塚間). S. 10.8 - I. 210: Rājagahe viharati sītavane (trú tại Vương Xá, trong bãi tha ma).
[2] Long tượng (龍象): Voi chúa.
[3] Nguyên tác: Kim-bồ-xà quốc (金菩闍國, Kamboja), còn gọi là Cam-bồ-già quốc (甘菩遮國), Kiếm- bồ-xà quốc (劍蒲闍國), Cám-bồ quốc (紺蒲國), Cam-bồ quốc (甘菩國), là một trong 16 quốc gia ở thời Phật. Theo Hoa Nghiêm kinh thám huyền ký 華嚴經探玄記 (T.35. 1733.15. 0391b24), nước Cam- bồ ở phía Bắc Ấn Độ, nơi đây có nhiều mỹ nữ nên lấy đó làm danh xưng.
[4] Đại-ma-na-bà (大摩那婆) còn gọi là Ma-na-bà (摩那婆), Ma-nạp-bà (摩納婆), là thiếu niên tu tịnh hạnh, cũng đặc biệt chỉ cho thanh niên Bà-la-môn. Theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da phá Tăng sự 根本說一切有部毘奈耶破僧事 (T.24. 1450.14. 0172c14); Ngũ phần luật 五分律 (T.22. 1421.15. 0106a29).
[5] Nguyên tác: Bà-la-môn (婆羅門), ở đây chỉ cho Sa-môn.
[6] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105.
[7] Tu-đạt-đa (須達多, Sudatta).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.