Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 22

590. TỈNH THỨC VÀ NGỦ MÊ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Vào thời quá khứ, ở nước Câu-tát-la có một đoàn thương buôn cùng nhau đi buôn với năm trăm cỗ xe vận chuyển. Trong khi đi qua một vùng hoang vắng, có năm trăm tên cướp rình rập theo sau, chúng chờ thời cơ thích hợp để ra tay cướp đoạt.

Bấy giờ, tại nơi hoang vắng này có một vị thiên thần đang dừng nghỉ bên đường. Thiên thần ấy nghĩ thầm: “Ta nên đến chỗ các thương buôn nước Câutát-la để hỏi nghĩa lý. Nếu họ vui lòng cho ta hỏi và giải nghĩa cho ta thì ta sẽ tìm cách giúp họ được an ổn, thoát khỏi nạn giặc cướp. Nếu họ không vui lòng với những câu hỏi của ta, ta sẽ bỏ mặc họ giống như những thiên thần khác.”

Sau khi suy nghĩ xong, thiên thần liền phóng ánh sáng trên thân tỏa chiếu khắp các cỗ xe của những thương buôn và nói kệ:

Ai đối thức lại ngủ,                                   
Đối với ngủ lại thức,
Người nào rõ nghĩa này,                           
Hãy giảng nói giúp tôi.

    Bấy giờ, trong nhóm thương buôn đó có một ưu-bà-tắc rất kính tin Phật, Pháp và Tỳ-kheo-tăng; một lòng hướng về Phật, Pháp, Tăng; đã quy y Phật, Pháp, Tăng. Vị ưu-bà-tắc này đã không còn nghi ngờ đối với Phật, Pháp, Tăng, cũng không còn nghi ngờ đối với khổ, nguyên nhân của khổ, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt; đã rõ biết về bốn Thánh đế, nên chứng đạt quả vị giác ngộ thứ nhất.[2] Vị ưu-bà-tắc này là bạn đồng hành cùng với các thương buôn trong đoàn. Lúc trời gần về sáng, ưu-bà-tắc kia ngồi thẳng tư duy, buộc niệm trước mặt và quán sát chiều thuận và chiều nghịch của mười hai nhân duyên. Nghĩa là quán sát: Vì cái này có mặt nên cái kia có mặt, vì cái này sanh khởi nên cái kia sanh khởi. Nghĩa là do vô minh có hành, do hành có thức, do thức có danh sắc, do danh sắc có sáu nhập xứ, do sáu nhập xứ có xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái, do ái có thủ, do thủ có hữu, do hữu có sanh, do sanh nên có già, chết, buồn, đau, khổ, não, các sự khổ lớn như vậy tập hợp lại. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu nhập xứ diệt, sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, chết, buồn, đau, khổ, não diệt, các sự khổ lớn như vậy đều diệt.

Vị ưu-bà-tắc ấy tư duy như vậy xong, liền nói kệ:

Với người thức, ta ngủ,                                 
Đối người ngủ, ta thức,
Ta rõ biết nghĩa này,                                     
Sẽ giảng nói cho người.

Lúc ấy, thiên thần hỏi ưu-bà-tắc:

“Thế nào gọi là đối với người thức thì ta gọi là ngủ? Thế nào là đối với người ngủ thì ta gọi là thức? Làm thế nào có thể rõ biết? Làm thế nào có thể giảng nói?”

Bấy giờ, ưu-bà-tắc nói kệ:

Lìa tham và sân hận,                                      
Ngu si và ái dục,
A-la-hán sạch lậu,                                         
Chánh trí, tâm giải thoát,
Đó là người tỉnh thức,                                   
Với họ, ta ngủ mê.
Không biết nhân sanh khổ,                           
Và nguyên nhân của khổ,
Đối với các khổ này,                                       
Phải dứt sạch không sót,
Người không rõ đường chánh,                     
Dẫn đến nơi hết khổ,
Đó là kẻ ngủ mê,                                            
Với họ, ta đang thức.
Đối người thức, ta ngủ,                                 
Với người ngủ, ta thức,
Như vậy, khéo rõ nghĩa,                                
Như thế, khéo giảng nói.

Khi ấy, thiên thần lại nói kệ:

Lành thay, ngủ đối thức,                             
Lành thay, thức đối ngủ,
Lành thay, khéo rõ nghĩa,                           
Lành thay, khéo giảng nói.
Đã lâu, nay mới rõ,                                      
Toàn thể các bạn lữ,
Nhờ ân lực của ông,                                   
Giúp cả đoàn thương buôn,
Được thoát khỏi giặc cướp,                         
Lên đường được an ổn.

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Những thương buôn ở nước Câu-tát-la đều được an ổn lên đường và ra khỏi vùng hoang vắng.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.590. 0156c03). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.184. 0439b29).

[2] Nguyên tác: Đắc đệ nhất vô gián đẳng quả (得第一無間等果), tức Sơ quả Tu-đà-hoàn. Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005b02).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.