Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với số đông Tỳ-kheo Thượng tọa ngụ ở tinh xá trong rừng Am-la, thuộc làng Am-la.
Bấy giờ, có trưởng giả Chất-đa-la đi đến chỗ các Thượng tọa Tỳ-kheo, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Lúc này, các Tỳ-kheo Thượng tọa liền vì trưởng giả Chất-đa-la mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[2] Sau khi thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho trưởng giả hoan hỷ rồi, các Thượng tọa liền an trú trong tĩnh lặng. Khi ấy, trưởng giả Chất-đa-la liền đi đến phòng của Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Na-già-đạt-đa nói với trưởng giả Chất-đa-la:
_ Có Vô lượng tâm tam-muội,[3] Vô tướng tâm tam-muội,[4] Vô sở hữu tâm tam-muội,[5] Không tâm tam-muội.59 Thế nào, trưởng giả, những pháp này vì có nhiều nghĩa nên có nhiều tên gọi, hay là đồng một nghĩa mà có nhiều tên gọi?
Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Tôn giả Na-già-đạt-đa:
_ Các tam-muội này là do Thế Tôn nói hay Tôn giả tự ý nói?
Tôn giả Na-già-đạt-đa đáp:
_ Đây là do Thế Tôn nói.
Trưởng giả Chất-đa-la thưa Tôn giả Na-già-đạt-đa:
_ Xin cho con được suy nghĩ một lát về nghĩa này rồi sẽ trả lời!
Suy nghĩ một lúc xong, trưởng giả nói với Tôn giả Na-già-đạt-đa:
_ Có pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều chữ;[6] cũng có pháp chỉ một nghĩa mà nhiều chữ.
Tôn giả Na-già-đạt-đa lại hỏi trưởng giả:
_ Thế nào là có pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều chữ?
Trưởng giả đáp:
_ Vô lượng tâm tam-muội, nghĩa là tâm của vị Thánh đệ tử tương ưng với từ, không oán, không ghét, không hận; luôn khoan dung độ lượng, tu tập vô lượng, rộng khắp, bao trùm một phương. Cũng như vậy, trùm khắp hai phương, ba phương, bốn phương, phương trên, phương dưới, khắp cả thế gian, tâm của vị Thánh đệ tử tương ưng với từ, không oán, không ghét, không hận; luôn khoan dung độ lượng, tu tập vô lượng, rộng khắp, bao trùm các phương, duyên khắp thế gian mà an trú. Đó gọi là Vô lượng tâm tam-muội.
Thế nào gọi là Vô tướng tâm tam-muội? Nghĩa là vị Thánh đệ tử không niệm tưởng đối với tất cả tướng, tự thân tác chứng Vô tướng tâm tam-muội. Đó gọi là Vô tướng tâm tam-muội.
Thế nào gọi là Vô sở hữu tâm tam-muội? Nghĩa là vị Thánh đệ tử vượt qua hết thảy Thức vô biên xứ,[7] thể nhập Vô sở hữu, chứng và an trú tâm Vô sở hữu. Đó gọi là Vô sở hữu tâm tam-muội.
Thế nào gọi là Không tâm tam-muội? Nghĩa là với vị Thánh đệ tử thì thế gian là rỗng không; quán sát đúng như thật sự rỗng không của thế gian là thường trụ, không thay đổi, không có gì là ta, không có gì là của ta. Đó gọi là
Không tâm tam-muội.[8]
Đây gọi là pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều chữ.
Tôn giả Na-già-đạt-đa lại hỏi trưởng giả:
_ Thế nào gọi là pháp chỉ có một nghĩa nhưng có nhiều chữ?
Đáp:
_ Thưa Tôn giả! Tham là có hạn lượng, nhưng không tranh[9] là bậc nhất vô lượng. Bởi vì tham là có tướng, sân và si là có tướng, nhưng không tranh là vô tướng. Tham là sở hữu, sân hận là sở hữu, nhưng không tranh là vô sở hữu.
Lại nữa, không tranh nghĩa là rỗng không, rỗng không đối với tham, rỗng không đối với sân và si. Sự rỗng không đó là thường trụ, không thay đổi, không có gì là ta, không có gì là của ta. Đây gọi là pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều chữ.
Tôn giả Na-già-đạt-đa hỏi:
_ Thế nào, trưởng giả, nghĩa này ông đã được nghe từ trước rồi ư?
Đáp:
_ Thưa Tôn giả, con chưa từng được nghe!
Tôn giả Na-già-đạt-đa lại nói với trưởng giả:
_ Ông đã được lợi ích lớn, khéo thể nhập được pháp Phật sâu mầu mà bậc Hiền thánh tuệ nhãn đã thể nhập.
Trưởng giả Chất-đa-la nghe Tôn giả Na-già-đạt-đa nói xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi rời đi.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.567. 0149c06). Tham chiếu: S. 41.7 - IV. 295.
[2] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[3] Vô lượng tâm tam-muội (無量心三昧), P. Appamāṇā cetovimutti: Vô lượng tâm giải thoát.
[4] Vô tướng tâm tam-muội (無相心三昧), P. Animittā cetovimutti: Vô tướng tâm giải thoát.
[5] Vô sở hữu tâm tam-muội (無所有心三昧), P. Ākiñcaññā cetovimutti: Vô sở hữu tâm giải thoát. 59 Không tâm tam-muội (空心三昧), P. Suññatā cetovimutti: Tâm rỗng không giải thoát.
[6] Nguyên tác: Vị (味, byañjana), có nghĩa là mùi vị và cũng có nghĩa là một phụ âm, là ngôn từ, chữ nghĩa.
[7] Nguyên tác: Vô lượng thức nhập xứ (無量識入處).
[8] Xem thêm M. 43, Mahāvedalla Sutta (Ðại kinh phương quảng): Katamā cāvuso, suññatā cetovimutti? “Idhāvuso, bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā iti paṭisañcikkhati - ‘suññamidaṃ attena vā attaniyena vā’ti. Ayaṃ vuccatāvuso, suññatā cetovimutti.” (“Và này Hiền giả, thế nào là Không tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống và suy nghĩ như sau: ‘Ðây trống không, không có tự ngã hay không có ngã sở.’ Như vậy, này Hiền giả, gọi là Không tâm giải thoát.” HT. Thích Minh Châu dịch).
[9] Nguyên tác: Vô tranh (無諍), được dịch từ araṇa; raṇa là tranh luận, chiến đấu; tuy nhiên, araṇa còn mang nghĩa là vắng lặng, tịch tĩnh, dùng như chữ akuppa nghĩa là không dao động. Xem S. 41.7 - IV. 295 ghi: Akuppā cetovimutti (Bất động tâm giải thoát), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.