Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Kiều-trì.[2] Ngài cùng với Tôn giả A-nan du hành trong nhân gian rồi đi đến rừng Thân-thứ,[3] phía Bắc làng Bà-đầu.[4]
Bấy giờ, các thiếu niên tại làng Bà-đầu nghe nói Tôn giả A-nan từ Kiều-trì du hành trong nhân gian, đang ở trong rừng Thân-thứ, phía Bắc làng Bà-đầu, liền rủ nhau cùng đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Tôn giả A-nan nói với các thiếu niên:
– Này thiếu niên Kiều-trì![5] Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác nói bốn pháp thanh tịnh, đó là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh và giải thoát thanh tịnh.
Thế nào là giới thanh tịnh? Nghĩa là vị Thánh đệ tử an trú nơi giới Ba-lađề-mộc-xoa, giới tăng trưởng, đầy đủ oai nghi, đối với tội nhỏ nhặt đã sanh thì sanh lòng sợ hãi, giữ gìn các giới điều.[6] Nếu giới thân chưa đầy đủ thì phải khiến cho đầy đủ, nếu đã đầy đủ thì hãy tùy thuận giữ gìn, mong cầu, tinh tấn, nỗ lực siêu xuất, siêng năng dũng mãnh, khéo kham nhận các pháp ở thân, tâm thường khéo nhiếp thọ. Đó gọi là giới thanh tịnh.
Này thiếu niên Kiều-trì! Thế nào gọi là tâm thanh tịnh? Nghĩa là vị Thánh đệ tử ly dục, ly bất thiện pháp,... (cho đến) an trụ đầy đủ Thiền thứ tư. Nếu chánh định nơi thân chưa đầy đủ thì làm cho được đầy đủ, nếu đã đầy đủ thì tùy thuận giữ gìn, mong cầu, tinh tấn,... (cho đến) thường khéo nhiếp thọ. Đó là gọi là tâm thanh tịnh.
Này thiếu niên Kiều-trì! Thế nào gọi là kiến thanh tịnh? Nghĩa là vị Thánh đệ tử được nghe pháp từ đức Phật[7] nói. Đối với giáo pháp được đức Phật nói như vậy như vậy, vị ấy thâm nhập như thật chánh quán như vậy như vậy; vị ấy được hoan hỷ, được tùy hỷ như vậy như vậy; có được từ nơi Phật.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tuy không được nghe pháp từ đức Phật nói, nhưng được nghe pháp từ những bậc minh trí tôn kính Phạm hạnh khác nói. Khi được nghe pháp từ những bậc tôn kính Phạm hạnh nói như vậy như vậy thì vị ấy như vậy như vậy mà thâm nhập quán sát như thật. Nhờ quán sát như vậy như vậy, nên đối với pháp đó, vị ấy được hoan hỷ, tùy hỷ, khởi niềm tin nơi Chánh pháp.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử không được nghe pháp từ đức Phật nói, cũng không được nghe pháp từ các bậc minh trí tôn kính Phạm hạnh nói, chỉ thuận theo người thọ trì đã được nghe pháp từ trước tụng đọc lại. Khi thuận theo người thọ trì đã được nghe pháp từ trước tụng đọc lại như vậy như vậy rồi, vị ấy được thể nhập pháp đó như vậy như vậy,... (cho đến) khởi niềm tin nơi Chánh pháp.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử tuy không được nghe pháp từ đức Phật nói, cũng không được nghe pháp từ bậc minh trí tôn kính Phạm hạnh nói, lại cũng không được nghe pháp từ người thọ trì đã được nghe từ trước tụng đọc lại, nhưng được nghe từ người trước đây đã nghe giảng nói lại cho người. Pháp được nghe từ người trước đây đã nghe và giảng nói lại như vậy như vậy, vị ấy liền như vậy như vậy thể nhập nơi pháp, chánh trí quán sát,... (cho đến) phát khởi niềm tin nơi Chánh pháp.
Lại nữa, Thánh đệ tử tuy không được nghe pháp từ đức Phật nói, cũng không được nghe từ bậc minh trí tôn kính Phạm hạnh nói, lại cũng không được nghe pháp từ người thọ trì đã được nghe từ trước tụng đọc lại, lại cũng không được nghe từ người trước đây đã nghe và giảng nói lại cho người, nhưng đối với pháp đã được nghe từ trước, vị ấy một mình ở chỗ vắng vẻ tư duy quán sát. Tư duy quán sát như vậy như vậy, vị ấy thể nhập Chánh pháp như vậy như vậy,... (cho đến) phát khởi niềm tin nơi Chánh pháp.
Như vậy, vị ấy được nghe pháp từ người khác, bên trong được chánh tư duy, đó gọi là chánh kiến chưa sanh khởi phải khiến cho sanh khởi, chánh kiến đã sanh khởi thì phải khiến cho tăng trưởng; đó gọi là giới thân chưa tròn đầy thì phải khiến cho tròn đầy, nếu đã tròn đầy thì phải tùy thuận nhiếp thọ, mong cầu, tinh tấn nỗ lực,... (cho đến) luôn luôn gìn giữ. Đó gọi là kiến thanh tịnh.
Này thiếu niên Kiều-trì! Thế nào là giải thoát thanh tịnh? Nghĩa là vị Thánh đệ tử đối với tâm tham, nên tu tập vô dục để được giải thoát; đối với tâm sân, tâm si, nên tu tập vô dục để được giải thoát. Giải thoát như thế nếu chưa viên mãn thì phải khiến cho viên mãn, nếu đã viên mãn rồi thì hãy tùy thuận giữ gìn, mong cầu, tinh tấn,... (cho đến) phải luôn nhiếp thọ. Đó gọi là giải thoát thanh tịnh.
Khi nghe Tôn giả A-nan chỉ dạy xong, các thiếu niên làng Bà-đầu hoan hỷ và tùy hỷ, cùng nhau đảnh lễ rồi rời đi.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.565. 0148c11). Tham chiếu: A. 4.194 - II. 194.
[2] Kiều-trì (橋池, Koḷiya).
[3] Thân-thứ lâm (身恕林): Rừng cây Siṃsapa.
[4] Bà-đầu (婆頭, Sāpūga).
[5] Nguyên tác: Đế Chủng (帝種). Theo DPPN, những người Koḷiya, phiên âm là “Kiều-trì” (橋池) tự gọi mình là Vyagghapajja (“dấu chân hổ”, đây là tên gọi thành phố của dân Koḷiya, do thành phố này được xây trên các dấu chân hổ đi). Xem thêm A. 8.54 - IV. 281. Bản dịch gọi các thiếu niên theo tên dân tộc.
[6] Nguyên tác: Học giới (學戒): Các giới điều.
[7] Nguyên tác: Đại sư (大師): Bậc Thầy lớn, là Thiên Nhân Sư, một trong 10 tôn hiệu của Phật.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.