Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Tôn giả A-nan cũng đang ở cùng nơi ấy.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo-ni khởi tâm nhiễm trước với Tôn giả A-nan, cho nên sai người đến chuyển lời thưa với Tôn giả A-nan:
_ Thân con bị bệnh, xin Tôn giả thương xót đến thăm!
Tôn giả A-nan sáng sớm đắp y, ôm bát đến chỗ ở của Tỳ-kheo-ni kia. Từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, Tỳ-kheo-ni kia liền đến nằm trên giường cố ý để lộ thân thể. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy thân thể của Tỳ-kheo-ni, liền thu nhiếp các căn và đứng quay lưng lại. Tỳ-kheo-ni kia thấy Tôn giả A-nan thu nhiếp các căn và đứng quay lưng lại, liền tự hổ thẹn. Cô đứng lên khoác lại y phục, trải tọa cụ, rồi ra thỉnh Tôn giả A-nan vào. Cô ấy mời Tôn giả ngồi rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân, sau đó đứng sang một bên.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền nói pháp cho Tỳ-kheo-ni:
_ Này cô! Tấm thân này là do thức ăn uế tạp nuôi lớn, do kiêu mạn nuôi lớn, do ái nuôi lớn, do dâm dục nuôi lớn. Này cô! Nếu thân này nương thức ăn uế tạp thì phải đoạn trừ thức ăn uế tạp, nếu nương nơi kiêu mạn thì phải đoạn trừ kiêu mạn, nếu nương nơi ái thì phải đoạn trừ ái dục.
Này cô! Thế nào gọi là nương nơi thức ăn uế tạp thì phải đoạn trừ thức ăn uế tạp? Nghĩa là vị Thánh đệ tử đối với sự ăn uống thì phải luôn tư duy quán tưởng, không khởi tưởng tham đắm, không khởi tưởng kiêu mạn, không khởi tưởng trau chuốt bản thân, không khởi tưởng làm đẹp thân mình, mà thọ dụng thức ăn chỉ vì giữ gìn thân thể, chỉ vì nuôi dưỡng mạng sống, chỉ vì trị bệnh đói khát, chỉ vì để tu tập Phạm hạnh, khiến cho các cảm thọ cũ dứt trừ và các cảm thọ mới không sanh, trưởng dưỡng các hạnh cao thượng; đối với sức khỏe, hoặc sự ưa thích, hoặc sự xúc chạm, đều phải an trú như vậy.
Ví như người thương buôn dùng dầu tô hay dầu nấu đặc để bôi lên xe, người này không có ý tưởng nhiễm trước, không có ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, cũng không có ý tưởng làm đẹp mà chỉ vì việc chuyên chở.
Lại như người bị chấn thương bôi dầu trị thương và họ không có ý tưởng tham đắm, không có ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, cũng không có ý tưởng làm đẹp mà chỉ muốn trị lành vết thương.
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử luôn quán tưởng khi ăn, không khởi niệm tưởng tham đắm, không khởi niệm tưởng kiêu mạn, không khởi niệm tưởng trau chuốt bản thân, không khởi niệm tưởng làm đẹp thân mình mà chỉ vì giữ gìn thân thể, chỉ vì nuôi dưỡng mạng sống, chỉ vì trị bệnh đói khát, vì để tu tập Phạm hạnh, khiến các cảm thọ cũ dứt trừ và các cảm thọ mới không sanh; đối với sức khỏe, hoặc sự ưa thích, hoặc sự xúc chạm không lỗi lầm đều trú trong an ổn. Này cô! Đó gọi là nương nơi thức ăn thì phải đoạn trừ thức ăn.
Nếu thân này nương vào kiêu mạn thì phải đoạn trừ kiêu mạn. Thế nào gọi là nương vào kiêu mạn thì phải đoạn trừ kiêu mạn? Nghĩa là vị Thánh đệ tử nghe nói Tôn giả kia hoặc đệ tử của Tôn giả kia đã dứt sạch các hữu lậu, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại tự thân tác chứng, tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Vị Thánh đệ tử này nghe rồi liền suy nghĩ: “Vị Thánh đệ tử kia đã dứt sạch các hữu lậu,... (cho đến) tự thân rõ biết không còn thọ thân sau. Còn ta đến nay sao lại chưa trừ sạch các hữu lậu, chưa tự rõ biết không còn thọ thân sau?” Thì ngay lúc ấy, vị Thánh đệ tử này có thể trừ sạch các hữu lậu,... (cho đến) tự mình rõ biết không còn thọ thân sau nữa. Này cô! Đó gọi là nương kiêu mạn thì phải đoạn trừ kiêu mạn.
Này cô! Thế nào gọi là nương ái thì phải đoạn trừ ái? Nghĩa là vị Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hoặc đệ tử của Tôn giả kia đã sạch các pháp hữu lậu,... (cho đến) tự thân rõ biết không còn thọ thân ở đời sau thì liền suy nghĩ: “Chúng ta sao lại chưa đoạn trừ hết các hữu lậu, chưa tự rõ biết không còn thọ thân sau?” Thì ngay lúc ấy, vị Thánh đệ tử này có thể đoạn trừ hết các hữu lậu,... (cho đến) tự mình rõ biết không còn thọ thân sau nữa. Này cô! Đó gọi là nương ái thì phải đoạn trừ ái.
Này cô! Người không còn tạo nghiệp[2] là đã đoạn hết dâm dục, phá gãy chiếc cầu phương tiện.
Trong lúc Tôn giả A-nan nói pháp này, Tỳ-kheo-ni ấy liền xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Vị Tỳ-kheo-ni ấy thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ giáo pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi ngờ, không nương ai khác, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Thế rồi, vị Tỳ-kheo-ni ấy đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan và thưa:
_ Con nay xin phát lộ sám hối. Vì ngu si, mê muội mà con đã làm điều xấu xa như thế. Nay con đối trước Tôn giả A-nan, tự mình thấy lỗi, tự biết có tội, nguyện phát lộ sám hối, mong Tôn giả thương xót!
Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni:
_ Nay cô đã chân thật tự mình thấy tội, tự biết mình có tội vì si mê, không tốt, tự biết mình đã tạo tội xấu xa. Cô đã tự biết, tự thấy và ăn năn sám hối rồi thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới.
Nay tôi nhận sự sám hối của cô, vì thương xót muốn giúp cô tăng trưởng thiện pháp, mãi không sút giảm. Vì sao như vậy? Vì nếu người nào tự mình thấy tội, tự biết có tội, tự biết sám hối thì đời tương lai sẽ được đầy đủ giới, thiện pháp tăng trưởng, mãi không sút giảm.
Tôn giả A-nan vì Tỳ-kheo-ni ấy mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[3] xong, Tôn giả rời tòa đứng dậy ra về.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.564. 0148a13). Tham chiếu: A. 4.159 - II. 144.
[2] Vô sở hành (無所行): Không còn việc phải làm, tức là không còn tạo nghiệp.
[3] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.