Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, nước
Tỳ-xá-ly.[2]
Tôn giả A-nan cũng đang ở cùng nơi ấy.
Bấy giờ, Vô Úy Ly-xa[3] là đệ tử của ngoại đạo Ni-kiền[4] và đồng tử Thông Minh Ly-xa[5] là đệ tử của A-kỳ-tỳ,[6] cả hai cùng đến chỗ Tôn giả A-nan, ân cần chào hỏi nhau xong rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Vô Úy Ly-xa nói với Tôn giả A-nan:
_ Thầy Ni-kiền tử của tôi đã dứt sạch các pháp nóng bức, được thanh tịnh siêu xuất, dạy cho các đệ tử đạo lý như vầy: “Nhờ thực hành khổ hạnh cho nên những nghiệp ở đời trước nhất định có thể dứt trừ. Thân nghiệp không tạo tác nữa, chặt đứt chiếc cầu phương tiện thì trong đời tương lai sẽ không còn các lậu hoặc, các nghiệp hoàn toàn dứt sạch. Do nghiệp đã dứt sạch hoàn toàn cho nên các khổ cũng vĩnh viễn không còn. Khổ đã vĩnh viễn không còn cho nên giải thoát rốt ráo.” Thưa Tôn giả A-nan! Nghĩa này như thế nào?
Tôn giả A-nan nói với Vô Úy Ly-xa:
_ Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết nói về ba phương pháp xa lìa sự nóng bức, được thanh tịnh siêu xuất, dùng con đường trực tiếp này[7] để tịnh hóa chúng sanh, giúp chúng sanh xa lìa lo buồn, vượt qua khổ não, được pháp chân như.
Là ba pháp nào? Nghĩa là vị Thánh đệ tử an trụ trong tịnh giới, lãnh thọ giới pháp,[8] oai nghi đầy đủ, tin có tội lỗi mà sanh ý tưởng sợ hãi. Thọ trì tịnh giới đầy đủ như vậy thì những nghiệp cũ dần dần được tiêu trừ, ngay trong hiện đời, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.[9] Này trưởng giả Ly-xa! Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết nói pháp [thứ nhất] xa lìa sự nóng bức, được thanh tịnh siêu xuất, dùng con đường trực tiếp này để tịnh hóa chúng sanh, giúp chúng sanh xa lìa lo buồn, vượt qua khổ não, được pháp chân như.
Lại nữa, Ly-xa! Với tịnh giới đã đầy đủ như vậy mà lìa dục, lìa pháp ác, bất thiện... (cho đến) chứng đắc và an trú Thiền thứ tư. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác nói pháp [thứ hai] xa lìa sự nóng bức... (cho đến) được pháp chân như.
Lại nhờ có sự chứng đạt thiền định[10] nên rõ biết như thật đối với Thánh đế về khổ, rõ biết như thật đối với Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về khổ diệt và Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Đầy đủ tâm trí tuệ như vậy rồi thì nghiệp mới chẳng tạo, nghiệp cũ dần dần được tiêu trừ, ngay trong hiện đời, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu. Này trưởng giả Ly-xa! Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết nói pháp thứ ba xa lìa sự nóng bức, được thanh tịnh siêu xuất, dùng con đường trực tiếp này để tịnh hóa chúng sanh, giúp chúng sanh xa lìa lo buồn, vượt qua khổ não, được pháp chân như.
Bấy giờ, đệ tử của Ni-kiền tử là Vô Úy Ly-xa đứng im lặng không nói gì. Lúc này, đệ tử của A-kỳ-tỳ là Thông Minh Ly-xa nói với Vô Úy Ly-xa rằng:
_ Lạ thay, này Vô Úy! Sao ông đứng im lặng như vậy? Đối với giáo pháp mà đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bằng sự thấy biết của mình, Ngài khéo giảng thuyết, ông nghe mà không hoan hỷ sao?
Vô Úy Ly-xa đáp:
_ Vì tôi đang tư duy đến nghĩa lý ấy, cho nên mới lặng thinh. Có ai nghe Thế Tôn, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp mà chẳng hoan hỷ? Nếu người nào nghe Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp mà không khởi tâm hoan hỷ thì đó là người mê muội, sẽ chịu khổ lâu dài, không hợp với lẽ đạo, không được lợi ích.
Lúc đó, đệ tử của Ni-kiền là Vô Úy Ly-xa và đệ tử của A-kỳ-tỳ là Thông Minh Ly-xa được nghe lại giáo pháp của Phật từ Tôn giả A-nan xong, họ hoan hỷ và tùy hỷ rồi đứng dậy rời đi.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.563. 0147c02). Tham chiếu: A. 3.74 - I. 220.
[2] Tỳ-xá-ly (毘舍離, Vesalī).
[3] Vô Úy Ly-xa (無畏離車, Abhaya Licchavi): Vô Úy, người bộ tộc Ly-xa.
[4] Ni-kiền (尼犍, Nigaṇṭha).
[5] Thông Minh đồng tử (聰明童子, Paṇḍita Kumāraka): Đồng tử Thông Minh, người bộ tộc Ly-xa.
[6] A-kỳ-tỳ (阿耆毘) cũng gọi là “A-kỳ-tỳ-già” (阿耆毘伽). Theo Phiên dịch danh nghĩa tập 翻譯名義集 (T.54. 2131.6. 1151a24) là ngoại đạo tà mạng (Ājivika). Tuy nhiên, theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.573. 0152a24), “A-kỳ-tỳ” (阿耆毘) cũng chỉ cho ngoại đạo lõa hình (acela).
[7] Nguyên tác: Nhất thừa đạo (一乘道). Xem chú thích 66, kinh số 535, quyển 19, tr. 591; Tạp. 雜 (T.02. 0099.535. 0139a16).
[8] Nguyên tác: Ba-la-đề-mộc-xoa (波羅提木叉).
[9] Nguyên tác: Đắc hiện pháp, ly xí nhiên, bất đãi thời tiết, năng đắc Chánh pháp, thông đạt hiện kiến, quán sát trí tuệ tự giác (得現法, 離熾然, 不待時節, 能得正法, 通達現見, 觀察智慧自覺). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).
[10] Nguyên tác: Tam-muội chánh thọ (三昧正受, samādhi samāpatti): Chứng nhập thiền định, thành tựu thiền định.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.