Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 21

561. TU PHẠM HẠNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la,[2] nước Câu-diệm-di.19 Tôn giả A-nan cũng đang ở cùng nơi ấy.

Bấy giờ, có vị Bà-la-môn đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng thăm hỏi nhau xong, ngồi sang một bên, rồi vị ấy hỏi Tôn giả A-nan:

_ Vì lý do gì mà Tôn giả đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để tu Phạm hạnh?

Tôn giả A-nan đáp:

_ Vì để đoạn trừ!

Bà-la-môn ấy lại hỏi:

_ Tôn giả đoạn trừ điều gì?

Tôn giả đáp:

_ Đoạn trừ ái!

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả A-nan! Phải nương vào đâu để đoạn được ái?

Tôn giả đáp:

_ Này Bà-la-môn! Phải nương vào ước nguyện[3] để đoạn trừ ái.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả A-nan! Việc này há chẳng phải là không cùng tận sao?[4]Tôn giả đáp:

_ Này Bà-la-môn! Không phải là không cùng tận. Quả thật là có chỗ tận cùng, chứ không phải không cùng tận.

Lại hỏi:

_ Thưa Tôn giả A-nan! Thế nào là chỗ tận cùng, chứ chẳng phải là không cùng tận?

Tôn giả nói:

_ Này Bà-la-môn! Nay tôi hỏi ông, ông hãy tùy ý mà trả lời. Bà-la-môn! Ông nghĩ thế nào, trước đây ông có ước muốn đến tinh xá không?

Bà-la-môn đáp:

_ Đúng vậy, thưa Tôn giả A-nan!

_ Thế thì, này Bà-la-môn! Khi đến tinh xá rồi thì ước muốn kia liền dứt phải không?

Đáp:

_ Đúng vậy! Thưa Tôn giả A-nan, cả sự hăng hái, tìm cách, suy tính để đến tinh xá nữa.

Tôn giả hỏi:

_ Sau khi đến tinh xá rồi thì sự hăng hái, tìm cách, suy tính kia cũng ngừng dứt phải không?

Đáp:

_ Thưa, đúng vậy!

Tôn giả A-nan lại nói với Bà-la-môn:

_ Cũng vậy, này Bà-la-môn! Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết, Ngài đã giảng về bốn như ý túc,[5] dùng con đường trực tiếp23 để tịnh hóa chúng sanh, diệt trừ khổ não, chấm dứt sầu bi. Bốn như ý túc là những gì? Đó là dục định đoạn hành thành tựu như ý túc,[6] tinh tấn định đoạn hành thành tựu như ý túc, tâm định đoạn hành thành tựu như ý túc và tư duy định đoạn hành thành tựu như ý túc.

Như vậy, vị Thánh đệ tử tu tập dục định đoạn hành thành tựu như ý túc, nương theo xả ly, nương theo vô dục, nương theo giải thoát,[7] nương theo tịch diệt, hướng đến xả, cho đến đoạn sạch ái. Khi tham ái đã sạch rồi thì dục định kia cũng dứt. Vị Thánh đệ tử tu tập tinh tấn định đoạn hành thành tựu như ý túc, tu tập tâm định đoạn hành thành tựu như ý túc và tu tập tư duy định đoạn hành thành tựu như ý túc, nương theo xả ly, nương theo vô dục, nương theo giải thoát, nương theo tịch diệt, hướng đến xả, cho đến đoạn sạch ái. Khi tham ái đã sạch rồi thì tinh tấn định, tâm định và tư duy định kia cũng dứt.

Này Bà-la-môn! Ý ông nghĩ sao? Đây không phải là chỗ tận cùng sao?

Bà-la-môn thưa:

_ Thưa Tôn giả A-nan, đây là chỗ tận cùng, chẳng phải là không cùng tận.

Bà-la-môn nghe Tôn giả A-nan dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ rồi đứng dậy ra về.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.561. 0147a13). Tham chiếu: S. 51.15 - V. 271.

[2] Cù-sư-la viên (瞿師羅園, Ghositārāma). 19 Câu-diệm-di (俱睒彌, Kosambī).

[3] Nguyên tác: Dục (欲), tức dục như ý túc trong bốn như ý túc. Tham chiếu: S. 51.15 - V. 271: Bhikkhu chandasamādhippadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti (Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành), HT. Thích Minh Châu dịch.

[4] Tham chiếu: S. 51.15 - V. 271: Evaṃ sante, bho ānanda, santakaṃ hoti no asantakaṃ. Chandeneva chandaṃ pajahissatīti - netaṃ ṭhānaṃ vijjati. (Sự thể là vậy, thưa Tôn giả Ānanda, thời một công việc liên tục (santaka), không có chấm dứt. Lấy dục mà trừ dục, sự kiện như vậy không xảy ra), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Nguyên tác: Tứ như ý túc (四如意足, catunnaṃ iddhipādānaṃ), còn gọi là tứ thần túc (四神足), tứ như ý phần (四如意分). Hành pháp thứ ba sau tứ niệm xứ và tứ chánh cần của 37 đạo phẩm. 23 Nguyên tác: Nhất thừa đạo (一乘道, ekāyana magga). Xem chú thích 66, kinh số 535, quyển 19, tr. 591; Tạp. 雜 (T.02. 0099.535. 0139a16).

[6] Định thức: Dục định đoạn hành thành tựu như ý túc, tinh tấn định, tâm định, tư duy định đoạn hành thành tựu như ý túc (欲定斷行成就如意足, 精進定, 心定, 思惟定斷行成就如意足) được nhiều bản kinh Hán tạng lược dịch với nhiều cách khác nhau. Tham chiếu Pāli: Chandasamādhippadhānasaṅkhārasamannāgataṁ iddhipādaṁ bhāveti, vīriyasamādhi... pe... cittasamādhi... Ở đây, “đoạn” (斷) có thể được dịch từ padhāna, nghĩa là nỗ lực. “Hành” (行) được dịch từ saṅkhāra. Chữ saṅkhāra có nhiều nghĩa, và nghĩa trong ngữ cảnh này chỉ cho nền tảng, cơ sở của suy tư, toan tính, tức là hành uẩn (行蘊). Saṅkhāra ở trường hợp này, được Bhikkhu Bodhi dịch là “the basis for spiritual power” nghĩa là “nền tảng để [phát triển] năng lực tâm linh.” Thế nên cú ngữ trên có thể được dịch là: “Thiền định dựa trên sự chuyên chú và nỗ lực của ước muốn, nhờ vậy mà đạt được thần thông; thiền định dựa trên sự chuyên chú và nỗ lực của tinh tấn, nhờ vậy mà đạt được thần thông; thiền định dựa trên sự chuyên chú và nỗ lực của tâm niệm, nhờ vậy mà đạt được thần thông; thiền định dựa trên sự chuyên chú và nỗ lực của tư duy, nhờ vậy mà đạt được thần thông.”

[7] Nguyên tác: Xuất yếu (出要, nissaraṇa), giải thoát.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.