Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Tôn giả A-nan cũng đang ở cùng nơi ấy.
Khi ấy, Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo:
_ Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự mình trình pháp[2] trước mặt tôi thì tôi sẽ ân cần thăm hỏi và tán thán, hoặc sẽ khảo xét qua bốn đạo lộ tu tập.[3] Những gì là bốn?
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi thiền để trụ tâm bằng những cách như vầy: Khéo trụ tâm, câu thúc để trụ tâm, điều phục tâm, dùng chỉ, quán11 để nhất tâm, để nhập định,[4] phân biệt và suy lường các pháp; khi đã tu tập và tu tập thuần thục rồi nên sẽ đoạn dứt được các phiền não. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trình pháp trước mặt tôi như thế thì tôi sẽ ân cần thăm hỏi và tán thán, hoặc sẽ khảo xét về sự tu tập đó, đây gọi là đạo lộ tu tập thứ nhất.
Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi thẳng tham thiền, quyết trạch Chánh pháp, giác sát[5] để trụ tâm: Khéo trụ, câu thúc để trụ, điều phục [tâm], dùng chỉ, quán để nhất tâm, để nhập định. Nhờ chân chánh tu tập và an trụ thuần thục[6] như vậy nên đoạn dứt được các phiền não. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trình pháp trước mặt tôi như thế thì tôi sẽ ân cần thăm hỏi và tán thán, hoặc sẽ khảo xét về sự tu tập đó, đây gọi là đạo lộ tu tập thứ hai.
Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni bị chi phối bởi trạo cử và tán loạn[7] nên thực hành thiền tọa để điều phục tâm, ngồi ngay thẳng để trụ tâm: Khéo trụ tâm, câu thúc để trụ tâm, điều phục [tâm], dùng chỉ, quán để nhất tâm, để nhập định rồi chuyển hóa.[8] Nhờ chân chánh tu tập và an trụ thuần thục như vậy nên đoạn dứt được các phiền não. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trình pháp trước mặt tôi như thế thì tôi sẽ ân cần thăm hỏi và tán thán, hoặc sẽ khảo xét về sự tu tập đó, đây gọi là đạo lộ tu tập thứ ba.
Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực hành hòa hợp cả chỉ và quán. Nhờ chân chánh tu tập và an trụ thuần thục như vậy rồi nên đoạn dứt được các phiền não. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trình pháp trước mặt tôi như thế thì tôi sẽ ân cần thăm hỏi và tán thán, hoặc sẽ khảo xét về sự tu tập đó, đây gọi là đạo lộ tu tập thứ tư.
Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.560. 0146c20). Tham chiếu: A. 4.170 - II. 156. Giữa bản kinh chữ Hán và bản Pāli có nhiều khác biệt đặc dị.
[2] Nguyên tác: Ký thuyết (記說, Byākaroti): Tuyên bố.
[3] Nguyên tác: Hoặc cầu dĩ tứ đạo (或求以四道). Tham chiếu: A. 4.170 - II. 156: Yo hi koci, āvuso, bhikkhu vā bhikkhunī vā mama santike arahattappattiṃ byākaroti, sabbo so catūhi maggehi, etesaṃ vā aññatarena (Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả các vị ấy được đầy đủ bốn đạo này, hoặc là một trong bốn đạo này), HT. Thích Minh Châu dịch. 11 Chỉ, quán (止觀). Theo A. 4.170 - II. 156 là hai pháp hành thiền gồm thiền chỉ và thiền quán (samatho ca vipassanā ca).
[4] Nguyên tác: Đẳng thọ (等受), cũng gọi là “chánh thọ” (正受); “Tam-ma-bát-để” (三摩鉢底, samāpatti): Nhập định, chứng đạt thiền định.
[5] Nguyên tác: Tư lượng (思量, samanupassati), giác sát.
[6] Nguyên tác: Chánh hướng đa trụ (正向多住). Chánh hướng (正向): 依真理而修行.
[7] Nguyên tác: Vi trạo loạn sở trì (為掉亂所持). A. 4.170 - II. 156: Dhammuddhaccaviggahitaṃ mānasaṃ hoti (tâm ý bị nắm giữ bởi pháp trạo cử vi tế).
[8] Nguyên tác: Đẳng thọ hóa (等受化). Đẳng thọ (等受) có nghĩa là nhập định, như đã giải thích trong chú thích trên. Hóa (化) ở đây có khả năng chỉ cho sự chuyển hóa. Học giả Trang Xuân Giang cho rằng chữ “hóa” (化) bị bổ sung nhầm, nhưng ngài Ấn Thuận vẫn giữ nguyên trong Tạp A-hàm kinh luận hội biên.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.