Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 21

574. NI-KIỀN NHÃ-ĐỀ TỬ [1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa ngụ trong rừng Amla, thuộc làng Am-la.

Bấy giờ, có Ni-kiền Nhã-đề tử[2] cùng với năm trăm quyến thuộc đi đến rừng Am-la và muốn dụ dỗ trưởng giả Chất-đa-la làm đệ tử.

Trưởng giả Chất-đa-la sau khi nghe tin Ni-kiền Nhã-đề tử cùng với năm trăm quyến thuộc đến rừng Am-la và muốn dụ dỗ mình làm đệ tử, ông liền đi đến chỗ Ni-kiền Nhã-đề tử, cùng chào hỏi nhau xong rồi mỗi người ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Ni-kiền Nhã-đề tử nói với trưởng giả Chất-đa-la:

_ Ông có tin Sa-môn Cù-đàm đã được tam-muội Vô giác vô quán[3] không?

Trưởng giả Chất-đa-la đáp:

_ Tôi không vì niềm tin mà đến đây.

Ni-kiền Nhã-đề tử nói:

_ Này trưởng giả! Ông không quanh co, không dối trá, thành thật, bản tánh ngay thẳng. Này trưởng giả! Nếu người có thể dứt trừ được trạng thái tâm có giác có quán87 thì người ấy có thể dùng dây để buộc được gió; nếu dứt được có giác có quán thì người ấy cũng có thể dùng một nắm đất để ngăn dòng nước sông Hằng. Ta đối với việc đi, đứng, nằm, ngồi thường sanh trí hiểu biết.

Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Ni-kiền Nhã-đề tử:

_ Tín đặt ở trước hay trí ở trước? Tín và trí cái nào đặt trước, cái nào thù thắng hơn?

Ni-kiền Nhã-đề tử đáp:

_ Tín phải ở trước, sau đó là có trí. Tín so với trí thì trí thù thắng hơn.

Trưởng giả Chất-đa-la nói với Ni-kiền Nhã-đề tử:

_ Tôi đã vượt khỏi trạng thái có giác có quán, được trụ trong nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, an trụ đầy đủ Thiền thứ hai. Ban ngày tôi cũng trụ trong tam-muội này, ban đêm tôi cũng trụ trong tammuội này. Có trí như vậy thì cần gì tin Thế Tôn?

Ni-kiền Nhã-đề tử nói:

_ Ông quanh co, dối trá, không ngay thẳng, bản tánh không ngay thẳng.

Trưởng giả Chất-đa-la nói:

_ Lúc nãy ông đã nói là tôi không quanh co, không dối trá, ngay thẳng, bản tánh ngay thẳng, sao bây giờ lại nói là tôi quanh co, dối trá, không ngay thẳng, bản tánh không ngay thẳng? Nếu như lời trước của ông là thật thì lời sau là dối trá, còn nếu lời sau là thật thì lời trước là dối trá! Trước ông đã tự mình cho rằng: “Tôi đối với việc đi, đứng, nằm, ngồi thường sanh trí hiểu biết.” Đối với vấn đề trước và sau, việc nhỏ như vậy mà ông còn chẳng rõ thì làm sao biết được pháp thượng nhân, làm sao có được thấy biết và sống trong an lạc?

Trưởng giả lại hỏi Ni-kiền Nhã-đề tử:

_ Có người có khả năng đáp được tất cả những vấn đề người khác hỏi. Ông có khả năng này không? Nếu ông không có khả năng đáp được tất cả những vấn đề người khác hỏi thì làm sao có thể dụ dỗ được tôi mà lại đến rừng Am-la này để dụ dỗ tôi?

Ngay lúc ấy, Ni-kiền Nhã-đề tử uất nghẹn, lắc đầu, xá chào mà đi, không dám quay nhìn lại.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.574. 0152b28). Tham chiếu: S. 41.8 - IV. 297.

[2] Ni-kiền Nhã-đề tử (尼犍若提子, Nigaṇṭha Nātaputta).

[3] Vô giác vô quán tam-muội (無覺無觀三昧): Định không tầm và không tứ, từ Nhị thiền trở lên. 87 Nguyên tác: Hữu giác hữu quán (有覺有觀). Định ở giai đoạn còn tầm và tứ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.